spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếAI và công nghệ mRNA thắp sáng hi vọng vắc-xin phòng ung...

AI và công nghệ mRNA thắp sáng hi vọng vắc-xin phòng ung thư sẽ xuất hiện vào năm 2025

Công nghệ mRNA, từng tạo ra bước đột phá với vắc-xin COVID-19, cùng công nghệ AI, được kỳ vọng thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống ung thư.

Sau nhiều thập kỷ gặp trở ngại, nỗ lực phát triển vắc-xin kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư đang mang lại những tín hiệu đầy hứa hẹn. Năm 2025 được dự đoán là cột mốc quan trọng với sự ra đời của những đột phá trong công nghệ y học. Tiêu biểu là vắc-xin mRNA – 4157 do hãng dược Moderna và Merck đồng phát triển, đang đạt kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng.

Theo dự đoán, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể phê duyệt loại vắc-xin này vào năm 2025. Cùng thời điểm, tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh (NHS) hợp tác với BioNTech – công ty tiên phong trong vắc-xin COVID-19 – triển khai chương trình thử nghiệm hàng nghìn bệnh nhân với các vắc-xin cá nhân hóa dựa trên mRNA.

AI và công nghệ mRNA thắp sáng hi vọng vắc-xin phòng ung thư sẽ xuất hiện vào năm 2025 - ảnh 1
Các nhà khoa học của tập đoàn Moderna chế tạo vắc-xin mRNA phù hợp với khối u của từng cá nhân tại một phòng thí nghiệm ở Norwood, Massachusetts

Các thử nghiệm sẽ tập trung vào ung thư đại tràng, tuyến tụy và u hắc tố. Khác với các vắc-xin truyền thống, vắc-xin cá nhân hóa được thiết kế dựa trên các đột biến đặc thù của từng bệnh nhân.

Quy trình bao gồm sinh thiết khối u, giải trình tự gen để xác định các đột biến tạo ra protein có thể kích hoạt hệ miễn dịch, và sản xuất vắc-xin nhắm đến những dấu hiệu phân tử đó. Tất cả các bước này có thể hoàn tất trong vòng 6 tuần nhờ vào công nghệ mRNA và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), giúp dự đoán chính xác các dấu hiệu kích thích miễn dịch mạnh nhất.

Tuy nhiên, phương pháp này đối mặt với thách thức lớn về chi phí. BioNTech cùng nhiều công ty khác đang song song phát triển các loại vắc-xin “sẵn có”, nhắm vào các dấu hiệu ung thư phổ biến để phục vụ số đông bệnh nhân.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đang tập trung vào việc sử dụng vắc-xin kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị ở giai đoạn đầu bệnh. Thậm chí, một số nhà khoa học kỳ vọng vắc-xin có thể được sử dụng phòng ngừa cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Dù đầy tiềm năng, vắc-xin cá nhân hóa đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp và tốn kém. Năm 2025 được xem là thời điểm bản lề, quyết định thành bại của công nghệ này. Nếu thành công, đây sẽ là minh chứng cho nhiều thập kỷ nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, với lịch sử nhiều lần thất bại, các chuyên gia vẫn thận trọng, không vội vàng đặt kỳ vọng quá lớn.

Liệu năm 2025 có đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào những bước tiến mang tính đột phá và nỗ lực không ngừng của ngành y học toàn cầu.

Theo Economist

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật