spot_img
27.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếẤn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư...

Ấn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư ông đắc lợi

Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc tăng mạnh lượng nước khai thác từ hệ thống sông Indus – nguồn sống thiết yếu của ngành nông nghiệp Pakistan – như một biện pháp trả đũa sau vụ tấn công khiến 26 du khách thiệt mạng hồi tháng 4 mà New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau, theo tiết lộ từ bốn nguồn thạo tin.

Ngay sau vụ việc xảy ra tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, New Delhi đã tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước nước sông Indus ký từ năm 1960 – văn kiện điều phối việc chia sẻ nguồn nước giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Pakistan phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công và đến nay, hiệp ước vẫn chưa được khôi phục, dù hai bên vừa đạt thỏa thuận ngừng bắn sau đợt giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Ấn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư ông đắc lợi - ảnh 1
Đập thủy điện Uri-II trên sông Jhelum chảy từ Kashmir của Ấn Độ

Theo Reuters, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh quy hoạch và triển khai các dự án trên ba con sông chính thuộc hệ thống Indus – gồm sông Chenab, Jhelum và Indus – vốn được dành chủ yếu cho Pakistan sử dụng theo hiệp ước.

Một trong những kế hoạch trọng tâm là mở rộng kênh Ranbir trên sông Chenab, từ chiều dài 60km lên 120km – cho phép tăng lưu lượng nước dẫn từ 40m³/giây lên 150m³/giây, tức gần gấp 4 lần hiện tại. Kênh Ranbir được xây dựng từ thế kỷ 19, trước khi hiệp ước Indus được ký kết, và hiện vẫn hoạt động như tuyến dẫn thủy lợi qua bang Punjab – “vựa lúa” của Pakistan.

Dù theo hiệp ước, Ấn Độ được phép khai thác một lượng nước nhất định từ các sông này cho nông nghiệp, nhưng động thái mở rộng hệ thống dẫn nước – dù phải mất nhiều năm xây dựng – có thể làm suy giảm nghiêm trọng nguồn cung cho Pakistan. Đây là lần đầu tiên thông tin về kế hoạch mở rộng kênh Ranbir được hé lộ, theo các tài liệu và cuộc họp nội bộ chính phủ Ấn Độ mà Reuters tiếp cận được.

Các bộ phụ trách tài nguyên nước, đối ngoại và văn phòng Thủ tướng Modi đều từ chối trả lời về vấn đề này. Tập đoàn điện lực quốc gia NHPC – đơn vị vận hành hàng loạt dự án thủy điện trên hệ thống sông Indus – cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.

Trong một bài phát biểu gay gắt gần đây, Thủ tướng Modi tuyên bố: “Nước và máu không thể cùng chảy”, dù không trực tiếp nhắc đến hiệp ước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Randhir Jaiswal, khẳng định New Delhi sẽ giữ nguyên việc đình chỉ hiệp ước “cho đến khi Pakistan dứt khoát và không thể đảo ngược việc từ bỏ hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới”.

Phía Pakistan vẫn giữ lập trường rằng hiệp ước còn hiệu lực. Ngoại trưởng Ishaq Dar tuyên bố chính phủ đã gửi công hàm phản đối, cho rằng việc đơn phương đình chỉ hiệp ước là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Islamabad cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng chảy từ các con sông dành cho Pakistan đều sẽ bị xem là “hành động chiến tranh”.

Ấn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư ông đắc lợi - ảnh 2
Hệ thống sông Indus là nguồn sống thiết yếu của ngành nông nghiệp Pakistan

Khoảng 80% diện tích canh tác của Pakistan phụ thuộc vào hệ thống sông Indus, và gần như toàn bộ dự án thủy điện quốc gia cũng dựa vào nguồn nước này.

David Michel – chuyên gia an ninh nguồn nước tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS, Mỹ) – nhận định các dự án mà Ấn Độ lên kế hoạch sẽ mất nhiều năm để hoàn thành. Tuy nhiên, Islamabad đã phần nào cảm nhận được sức ép: vào đầu tháng 5, lưu lượng nước tại một trạm tiếp nhận trọng yếu ở Pakistan đã sụt tới 90% khi Ấn Độ tiến hành bảo trì hệ thống.

Hiệp ước thành công hiếm hoi đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Hệ thống sông Indus bắt nguồn từ hồ Mansarovar ở Tây Tạng, chảy qua miền Bắc Ấn Độ và miền Đông – Đông Nam Pakistan trước khi đổ ra biển Arab. Đây là một trong những hiệp ước chia sẻ nước thành công nhất thế giới, tồn tại vững vàng qua nhiều cuộc chiến và xung đột kéo dài giữa hai quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp Kashmir ngày càng gay gắt, Ấn Độ từ năm 2023 đã tìm cách đàm phán lại hiệp ước để phản ánh nhu cầu dân số gia tăng và nhu cầu năng lượng sạch. Hiệp ước hiện chỉ cho phép Ấn Độ thực hiện các dự án thủy điện quy mô nhỏ, ít tác động đến ba con sông được phân bổ cho Pakistan. Trong khi đó, Ấn Độ có toàn quyền sử dụng ba nhánh khác: Sutlej, Beas và Ravi.

Ngoài kế hoạch mở rộng kênh Ranbir, New Delhi còn đang xem xét các dự án khác có thể làm giảm lưu lượng nước vào Pakistan. Một tài liệu chưa từng công bố do công ty nhà nước soạn thảo đề xuất “phân bổ nước từ sông Indus, Chenab và Jhelum sang các con sông nội địa” tại ba bang phía Bắc Ấn Độ.

Danh sách các dự án thủy điện được Bộ Năng lượng Ấn Độ lập ra – với mục tiêu nâng công suất từ 3.360 MW hiện tại lên 12.000 MW – cũng đang được thảo luận tích cực. Nhiều dự án bao gồm xây đập trữ nước quy mô lớn – điều chưa từng có trong hệ thống sông Indus từ phía Ấn Độ. Theo các nguồn tin, ít nhất 5 dự án đang được nghiên cứu, trong đó có 4 dự án nằm trên các nhánh của sông Chenab và Jhelum.

“Vũ khí hóa” nguồn nước – nguy cơ lan rộng

Kashmir từ lâu là điểm nóng xung đột khi cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát một phần. New Delhi từ lâu cáo buộc Islamabad hậu thuẫn phong trào nổi dậy vũ trang chống chính phủ Ấn, điều mà Pakistan luôn phủ nhận.

Happymon Jacob – chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi) – cho rằng việc Ấn Độ gây sức ép qua hiệp ước nước cho thấy chiến lược mới nhằm cô lập Pakistan trên bàn đàm phán. “Với xung đột mới nhất, Ấn Độ có thể từ chối thảo luận về Kashmir trong mọi định dạng đối thoại song phương,” ông nhận định.

Ấn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư ông đắc lợi - ảnh 3
Bản đồ hiển thị vị trí các dự án thủy điện mà Ấn Độ vận hành ở Kashmir

Islamabad đang chuẩn bị các bước pháp lý tại nhiều diễn đàn quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới – bên bảo trợ ký kết hiệp ước – và các tòa án quốc tế như Tòa Thường trực Trọng tài và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague. “Nước không nên bị biến thành vũ khí”, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Chuyên gia Michel cũng lưu ý, việc Ấn Độ đơn phương sử dụng nguồn nước làm đòn bẩy với Pakistan có thể tạo tiền lệ nguy hiểm. “Nhiều học giả Ấn Độ lo ngại điều này sẽ mở đường cho Trung Quốc – quốc gia kiểm soát thượng nguồn các dòng sông khác – áp dụng chiến lược tương tự với New Delhi”, ông cảnh báo.

Theo Reuters

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật