Theo Financial Times, Apple sắp hầu tòa tại Anh trong vụ kiện tập thể đòi bồi thường 1,5 tỷ bảng (1,8 tỷ USD), với cáo buộc thu phí “quá cao và không công bằng” trên App Store. Đây là vụ kiện chống độc quyền đầu tiên nhằm vào Big Tech tại Anh, dự kiến bắt đầu ngày 13/1.
Tập đoàn công nghệ Mỹ bị cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền khi áp đặt mức hoa hồng lên đến 30% cho mỗi giao dịch qua App Store. Phiên tòa kéo dài 7 tuần sẽ có sự xuất hiện của tân Giám đốc Tài chính Kevan Parekh với tư cách nhân chứng.
Đơn kiện được đệ trình thay mặt hàng triệu người tiêu dùng Anh, mở đầu làn sóng kiện tụng nhắm vào các “gã khổng lồ” công nghệ như Alphabet, Microsoft và Meta. Giới chuyên gia pháp lý đang theo dõi sát diễn biến, coi đây là thước đo cho các vụ kiện tương tự trong tương lai.
Tại Anh, không phải mọi vụ kiện tập thể đều thành công. Gần đây, nhà mạng viễn thông BT thắng kiện về cáo buộc tính phí điện thoại cố định quá cao, trong khi Mastercard dàn xếp vụ tranh chấp phí thẻ với 200 triệu bảng, thấp hơn nhiều so với yêu cầu ban đầu 14 tỷ bảng.
Dù luật Anh cho phép kiện tập thể từ hơn 10 năm trước, phần lớn các vụ việc đều vướng thủ tục kéo dài. Vụ kiện Apple là trường hợp đầu tiên được đưa ra xét xử, được kỳ vọng tạo tiền lệ quan trọng cho các tranh chấp chống độc quyền trong tương lai.
Apple khẳng định vụ kiện đòi bồi thường 1,5 tỷ bảng là “vô căn cứ”, cho rằng mức phí App Store tương đương với các nền tảng kỹ thuật số khác trên thị trường.
Theo đơn kiện do Rachael Kent, giảng viên King’s College London dẫn đầu, Apple đã lạm dụng vị thế độc quyền khi buộc các nhà phát triển phải phân phối ứng dụng qua App Store, từ đó áp đặt mức phí “quá mức và không công bằng” lên người tiêu dùng.
Phía nguyên đơn, do luật sư Mark Hoskins KC và Tim Ward KC đại diện, cáo buộc Apple thu lợi nhuận “cắt cổ” với mức hoa hồng cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Đáp lại, Apple cho biết đa số ứng dụng được cung cấp miễn phí và nhiều nhà phát triển nhỏ chỉ phải trả mức phí ưu đãi 15%. Công ty cũng dự kiến phản bác định nghĩa thị trường “quá hẹp” của nguyên đơn khi chỉ giới hạn trong phạm vi iOS.
Tương tự các vụ kiện với Epic Games và Spotify, Apple nhiều khả năng sẽ biện minh mức phí dựa trên các khoản đầu tư lớn vào nền tảng, bao gồm công cụ phát triển, bảo mật, tiếp thị và quản lý.
Theo Financial Times