spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếBê bối 'quả bom carbon' gây chấn động: Coca-Cola bị buộc tội...

Bê bối ‘quả bom carbon’ gây chấn động: Coca-Cola bị buộc tội gây ra hơn 50% lượng ô nhiễm nhựa toàn cầu

Cuộc điều tra của tổ chức Stand.earth phát hiện hơn 25 thương hiệu tiêu dùng lớn, bao gồm cả Coca-Cola, có liên hệ với các hoạt động khai thác dầu khí bằng phương pháp nứt vỡ thủy lực (fracking) tại vùng Permian Basin của bang Texas (Mỹ) – một trong những nguồn gây ô nhiễm khí hậu nghiêm trọng nhất thế giới.

Chuyện gì đang xảy ra?

Theo Euronews, tổ chức Stand.earth đã phát hiện hơn 25 thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng có liên hệ với các hoạt động fracking tại vùng Permian Basin của bang Texas (Mỹ) – nơi được xem là một “quả bom carbon” lớn vì góp phần thải lượng khí nhà kính khổng lồ.

Fracking là kỹ thuật dùng hỗn hợp nước, cát và hóa chất áp suất cao để phá vỡ đá phiến dưới lòng đất nhằm khai thác khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Một sản phẩm phụ của quy trình này là ethane – nguyên liệu chính dùng trong ngành sản xuất nhựa. Stand.earth tiết lộ phần lớn lượng ethane từ Texas được vận chuyển ra nước ngoài để sản xuất nhựa.

Một số thương hiệu liên quan đến hoạt động fracking tại Permian Basin bao gồm Coca-Cola, Unilever, Nestlé và Procter & Gamble (P&G – công ty mẹ của nhiều thương hiệu gia dụng như Gillette, Olay và Always).

Bê bối 'quả bom carbon' gây chấn động: Coca-Cola bị buộc tội gây ra hơn 50% lượng ô nhiễm nhựa toàn cầu - ảnh 1
Coca-Cola là thương hiệu nước giải khát ăn khách hàng đầu thế giới – Ảnh: TCD

>> Sau SpaceX, Coca-Cola… thêm 60 doanh nghiệp Mỹ sắp ‘đổ bộ’ đến Việt Nam

Tại sao fracking gây lo ngại?

Quá trình fracking gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng địa phương, như gây ra các chấn động nhỏ (động đất nhẹ), ô nhiễm nguồn nước. Thâm chí từng xuất hiện video cho thấy người dân sống gần lưu vực Permian Basin có thể đốt cháy nước máy – minh chứng rõ ràng cho mức độ ô nhiễm.

Yvette Arellano – người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức công lý môi trường Fenceline Watch tại Houston chia sẻ với Euronews: “Từ hoạt động khai thác độc hại ở lưu vực Permian Basin đến hoạt động sản xuất chất độc dọc theo kênh tàu Houston, cái giá phải trả là thiệt hại không thể phục hồi đối với sức khỏe trẻ em chúng ta – từ việc trẻ sơ sinh nhẹ cân đến các tổn thương về sinh sản và phát triển – kéo dài qua nhiều thế hệ”.

Fracking tuy khai thác được nguồn năng lượng dồi dào, nhưng quá trình này có thể gây nguy hiểm và hủy hoại môi trường sống quan trọng. Việc phụ thuộc vào khí tự nhiên còn làm chậm quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và gió.

Bê bối 'quả bom carbon' gây chấn động: Coca-Cola bị buộc tội gây ra hơn 50% lượng ô nhiễm nhựa toàn cầu - ảnh 2
Giàn khoan thủy lực ở tiểu bang New Mexico, Mỹ – Ảnh: Getty Images

Ethane dùng để sản xuất nhựa lại gây thêm vấn đề. Nhựa là một trong những vật liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Nhựa không phân hủy sinh học mà chỉ vỡ ra thành các hạt nhỏ gọi là vi nhựa – có thể xâm nhập vào cơ thể động vật và con người, gây nhiều vấn đề sức khỏe.

>> PepsiCo và Coca-Cola bị kiện về vấn đề ô nhiễm nhựa tại Mỹ

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi năm có khoảng 19-23 triệu tấn nhựa trôi vào hệ sinh thái thủy sinh, làm ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường sống của động vật và đe dọa đến sinh vật biển.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, được Axios tóm lược, chỉ ra rằng Coca-Cola phải chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Coca-Cola đang làm gì để đối phó với ô nhiễm nhựa?

Hãng đồ uống lừng danh Coca-Cola đã tham gia vào các sáng kiến vì môi trường như “Thế giới không rác thải”, cam kết tái chế tất cả bao bì, nhưng các nhà phê bình cho rằng như vậy là chưa đủ.

Công ty có trụ sở tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ sử dụng nhựa tái chế lên 30–35% trên toàn cầu vào năm 2035. Nhưng mối liên hệ của Coca-Cola với hoạt động fracking cho thấy doanh nghiệp này vẫn tiếp tục sản xuất nhựa mới.

Delphine Levi Alvares – người phụ trách chiến dịch về hóa dầu toàn cầu tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế cho biết các thương hiệu thường quên rằng “ngành kinh doanh chính của họ không phải là bao bì, mà là đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Việc sử dụng nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch là một lựa chọn – không phải là điều bắt buộc. Nhựa tái chế hoặc nhựa sinh học là các giải pháp an toàn hơn. Thậm chí, thiết kế tái sử dụng hoặc không bao bì cũng là những lựa chọn khả thi.

Chừng nào các công ty chưa thực sự cam kết giảm thiểu nhựa, fracking vẫn sẽ là ngành sinh lời. Chúng ta cần nhận biết hiện tượng “tẩy xanh” (greenwashing) khi các tập đoàn tuyên truyền những hành động thân thiện với môi trường, nhưng lại không thực hiện đúng – và ủng hộ các thương hiệu minh bạch về vật liệu đóng gói, đồng thời ưu tiên các giải pháp bền vững vì con người và hành tinh này.

Theo TCD/Yahoo! News

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật