Phát biểu được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Washington diễn ra vào 21-26/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng hợp tác với hai định chế tài chính toàn cầu, đồng thời kêu gọi cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các lãnh đạo tài chính toàn cầu hiện đang tham dự Hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Washington, Mỹ. Khác với các kỳ trước – nơi các chủ đề như biến đổi khí hậu, lạm phát hay hỗ trợ Ukraine chiếm ưu thế – năm nay, thuế quan là trọng tâm chính trong các cuộc thảo luận.

“IMF và Ngân hàng Thế giới giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế, nhưng hiện tại họ đang tụt hậu”, ông Bessent phát biểu tại một sự kiện do Viện Tài chính Quốc tế tổ chức ngày 22/4. Ông cho rằng hai tổ chức này cần điều chỉnh chiến lược để phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ trích hiện tượng “lan rộng nhiệm vụ” tại IMF, cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế cần tập trung vào mục tiêu cốt lõi là đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính. “Tôi không nói về biến đổi khí hậu hay dấu chân carbon”, ông nhấn mạnh, ám chỉ việc mở rộng phạm vi hoạt động ngoài lĩnh vực tài chính truyền thống.
Tuyên bố của ông Bessent được đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ khắp thế giới tụ họp tại Washington để tham dự Hội nghị mùa xuân thường niên do IMF và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức.
Trong khi Tổng thống Trump từng bày tỏ sự hoài nghi với một số tổ chức quốc tế và đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đầu năm nay, ông Bessent khẳng định chính quyền vẫn nhìn nhận vai trò then chốt của IMF và Ngân hàng Thế giới, với điều kiện các tổ chức này “trung thành với sứ mệnh ban đầu của mình”.
Tại diễn đàn do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu cải tổ sâu rộng hai định chế tài chính quốc tế này. “Chúng ta phải biến IMF thành IMF một lần nữa,” ông nói, đồng thời chỉ ra rằng IMF nên quay lại sứ mệnh cốt lõi: ngăn chặn các chính sách phá giá cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng thương mại quốc tế cân bằng.
Ông kêu gọi IMF tập trung vào giải quyết các vấn đề cán cân thanh toán và cung cấp các khoản vay tạm thời cho quốc gia thành viên, đồng thời yêu cầu các nước đi vay phải cam kết cải cách. “Đôi khi, IMF cần phải nói ‘Không’,” ông Bessent nhấn mạnh.
Về phía Ngân hàng Thế giới, ông đề xuất tổ chức này nên quản lý nguồn lực một cách hiệu quả hơn và thiết lập các “thời hạn tốt nghiệp” rõ ràng cho những quốc gia đã đạt đến trình độ phát triển nhất định. “Việc tiếp tục coi Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – là một quốc gia đang phát triển là điều vô lý,” ông nhận định.
Bên cạnh những đề xuất cải cách, ông Bessent cũng đề cập đến nhu cầu tái thiết Ukraine trong bối cảnh đất nước này tiếp tục hứng chịu hậu quả từ cuộc chiến với Nga. Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia hoặc doanh nghiệp tiếp tay cho cuộc chiến tranh của Nga sẽ bị loại khỏi các cơ hội tài trợ tái thiết Ukraine.
“Tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng: bất kỳ ai hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga sẽ không đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn dành cho công cuộc tái thiết Ukraine,” ông nói.
Phát biểu của ông Bessent đã nhận được sự ủng hộ từ ông Timothy Adams, Chủ tịch IIF và cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ. Ông Adams nhấn mạnh: “’Nước Mỹ trên hết’ không đồng nghĩa với nước Mỹ đơn độc,” và cho biết tuyên bố của ông Bessent đã giúp xoa dịu lo ngại của nhiều đối tác quốc tế về khả năng Mỹ rút lui khỏi các cam kết toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng từng phát biểu với giọng điệu tương đồng hồi đầu tháng này, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các “mất cân bằng kinh tế” toàn cầu. Bà cho rằng chính sách thuế quan từng được Tổng thống Trump triển khai có thể là bước khởi đầu cho một nền kinh tế toàn cầu “cân bằng hơn và kiên cường hơn”.
Tham khảo Reuters, BNN