Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại việc Washington có thể “rời khỏi” các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, nếu các bên không đạt được tiến triển. “Đây là chuyện của châu Âu. Nó vẫn nên là chuyện của châu Âu”, ông Trump nói.
Theo hãng tin Bloomberg, đề xuất mua vũ khí từ Mỹ cho Ukraine để các lực lượng Kiev có thể tiếp tục đối phó với quân đội Nga gần đây “đang được nhiều người ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh ủng hộ hơn”, trong bối cảnh lo ngại các đợt chuyển giao thiết bị quân sự của Mỹ sẽ dừng lại vào mùa hè năm nay.

“Ý tưởng là nếu ông Trump từ chối gửi vũ khí của Mỹ cho Ukraine, châu Âu sẽ làm”, nguồn tin nói với Bloomberg. Cũng theo các nguồn tin, lãnh đạo các nước thành viên NATO ở châu Âu cho rằng, nếu họ cũng có thể thuyết phục ông Trump tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho Kiev, “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể trụ vững”.
Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận Paris đã đạt đến giới hạn khả năng cung cấp vũ khí sản xuất trong nước cho Ukraine.
Hồi tháng 3/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khi đó Josep Borrell đã mô tả tình trạng căng thẳng đối với kho vũ khí của EU sau 2 năm hỗ trợ quân sự cho Kiev. “Kho vũ khí hiện có đã cạn kiệt và cuộc xung đột đã chuyển từ cuộc chiến vũ khí sang cuộc chiến sản xuất”, ông Borrell cho hay.
Ông Borrell cũng chỉ ra rằng, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của chính mình, nghĩa là các quốc gia thành viên phải nhập khẩu phần lớn thiết bị quân sự. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng Một, Tổng thống Trump đã không công bố bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào của Mỹ cho Ukraine.
Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không thể ngăn cản Nga đạt các mục tiêu quân sự đã đề ra. Động thái thậm chí còn kéo dài xung đột và làm tăng nguy cơ đối đầu giữa Moscow và NATO.
>> Ukraine bắt giữ gần 1.000 binh sĩ Nga trong chiến dịch Kursk