spot_img
21.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếCanh bạc thuế quan có thể đẩy kinh tế Mỹ vào vòng...

Canh bạc thuế quan có thể đẩy kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái bất tận?

Chứng khoán Mỹ lao dốc, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và sự phân hóa chính trị sâu sắc đang tạo nên một vòng xoáy nguy hiểm giữa thị trường và nền kinh tế.

Sự thờ ơ của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước những biến động của thị trường chứng khoán đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế Mỹ.

Phát biểu ngày 16/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng: “Việc điều chỉnh là lành mạnh và bình thường”, cho thấy thái độ bình thản của chính phủ trước đợt giảm điểm mạnh của thị trường. Chỉ số S&P 500 hiện đã giảm 8% so với mức đỉnh vào tháng 2 – một phần do chính sách thuế quan cứng rắn của ông Trump, và phần khác do thị trường nhận thấy chính quyền đang tỏ ra quá thoải mái, có khả năng tiếp tục các chính sách gây bất ổn.

Trong bối cảnh thị trường liên tục lập đỉnh và công nghệ giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng, người dân Mỹ đã đổ xô rót vốn vào cổ phiếu. Tính đến cuối năm ngoái, các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận nắm giữ tới 38 nghìn tỷ USD cổ phiếu – tăng 128% trong vòng sáu năm.

Tổng giá trị các khoản đầu tư này hiện tương đương 1,7 lần thu nhập khả dụng của hộ gia đình Mỹ – gấp đôi mức trung bình lịch sử và gần chạm mốc cao nhất kể từ năm 1947. Nếu thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài, hệ quả đối với chính trị và nền kinh tế có thể rất nghiêm trọng.

Vòng xoáy tiêu cực giữa thị trường và nền kinh tế

Theo Economist, mối đe dọa đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ xuất hiện một vòng xoáy “suy thoái” bất tận, trong đó thị trường chứng khoán sụt giảm kéo theo suy yếu kinh tế, và ngược lại.

Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy trong hai tuần đầu tháng 3, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm rưỡi, có thể tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

Song song đó, hiện tượng được gọi là “hiệu ứng tài sản” (Wealth effect) cho thấy giá cổ phiếu giảm trực tiếp ảnh hưởng đến bảng cân đối tài chính của hộ gia đình, từ đó kéo giảm chi tiêu tiêu dùng.

Nghiên cứu năm 2019 của các nhà kinh tế: Gabriel Chodorow-Reich (Đại học Harvard), Alp Simsek (Viện Công nghệ Massachusetts) và Plamen Nenov (Trường Kinh doanh BI, Na Uy) ước tính rằng mỗi USD tăng thêm trong tài sản sẽ kích thích người tiêu dùng chi thêm hơn ba cent ( hệ số khuynh hướng tiêu dùng biên MPC – Marginal Propensity to Consume – là 3%).

Theo Visa, tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính, tác động này đã gia tăng đáng kể lên xu hướng tiêu dùng trong những năm gần đây. Dựa trên các giả định khác nhau, Visa thậm chí đưa ra số liệu đáng lưu ý: hiện nay, mỗi USD tài sản tăng thêm có thể thúc đẩy tiêu dùng đến thêm 24%.

Ngay cả khi áp dụng mức ước tính thấp hơn, mức giảm 4.500 tỷ USD trong giá trị vốn hóa thị trường kể từ đỉnh gần đây của S&P 500 có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất hàng chục tỷ USD chi tiêu tiêu dùng trong năm nay.

Khác với bất động sản – loại tài sản lớn nhất nhưng khó định giá thường xuyên – cổ phiếu có thể được theo dõi gần như theo thời gian thực. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng dễ dàng bị dao động theo từng phút, tác động nhanh chóng đến hành vi mua sắm. Hiện có hơn 25 triệu người Mỹ sở hữu tài khoản trên Robinhood, một trong những nền tảng giao dịch chứng khoán phổ biến nhất hiện nay.

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao – đặc biệt là những người đã vay mượn để đầu tư khi cổ phiếu tăng giá – đang đứng trước nguy cơ tổn thất nghiêm trọng. Công ty môi giới chứng khoán Interactive Brokers cho biết, việc sử dụng các khoản vay ký quỹ để mua cổ phiếu đang tăng mạnh. Tính đến cuối năm ngoái, khách hàng của công ty đã vay tổng cộng 54 tỷ USD cho mục đích này, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc điều hành Milan Galik nhận định: “Các nhà đầu tư không chỉ gia tăng giao dịch ký quỹ mà còn mạnh tay đầu cơ vào các sản phẩm phái sinh, cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro đang ở mức cao.”

Tâm lý thị trường bị chính trị hóa sâu sắc

Không chỉ mức độ tiếp xúc của người dân Mỹ với thị trường chứng khoán là yếu tố đáng lưu tâm. Tâm lý của nhà đầu tư hiện cũng đang bị chi phối mạnh bởi bối cảnh chính trị phân cực. Trong khi những đợt sụt giảm trước đây thường khiến mọi nhóm cử tri cùng lo ngại, thì lần này, phản ứng của họ lại phân hóa rõ rệt theo quan điểm chính trị.

David Zavarelli, một nhà hoạch định tài chính tại Milford, Connecticut, cho biết: “Lần đầu tiên trong 18 năm làm nghề, tôi thấy các khách hàng thiên tả lo lắng về suy thoái nhiều hơn so với những người thiên hữu.” Brian Schmehil, đại diện công ty quản lý tài sản The Mather Group, cũng chia sẻ rằng phản ứng của khách hàng hiện nay “không còn dựa vào mức độ rủi ro họ chấp nhận, mà phụ thuộc vào việc họ đã bỏ phiếu cho ai trong kỳ bầu cử gần nhất”.

Canh bạc thuế quan có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, ông Trump đang 'đùa với lửa'? - ảnh 1
Theo JP Morgan, tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng, tỷ lệ tiết kiệm thấp và thị trường lao động co hẹp đang cho thấy mầm mống của cuộc suy thoái bắt đầu tư tầng lớp thu nhập trung bình tại Mỹ

Sự chia rẽ này cũng được phản ánh rõ rệt trong các cuộc khảo sát về niềm tin tiêu dùng. Kể từ sau cuộc bầu cử, cử tri Đảng Dân chủ trở nên bi quan hơn hẳn về triển vọng kinh tế, trong khi các cử tri Đảng Cộng hòa vẫn giữ tâm lý lạc quan – cho thấy nền kinh tế không chỉ chịu tác động từ thị trường, mà còn từ chính những rạn nứt trong xã hội Mỹ.

Sự chuyển dịch trong mô hình bỏ phiếu đang làm thay đổi cách mà thiệt hại từ thị trường chứng khoán được phân bổ trong xã hội Mỹ. Ngày nay, những người có thu nhập dưới 50.000 USD/năm ngày càng có xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa, trong khi cử tri thuộc tầng lớp trung lưu có trình độ học vấn cao, lại chuyển dần sang ủng hộ Đảng Dân chủ.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, khoảng 87% cổ phiếu và quỹ tương hỗ thuộc sở hữu của nhóm 20% người có thu nhập cao nhất – mức tập trung tài sản cao hơn nhiều so với bất động sản, nơi nhóm này chỉ nắm giữ 57%. Trước đây, một đợt bán tháo cổ phiếu chủ yếu ảnh hưởng đến cử tri Đảng Cộng hòa; nhưng hiện tại, chính cử tri Dân chủ – những người sở hữu phần lớn cổ phiếu – lại chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Điều này phần nào lý giải thái độ bình thản của chính quyền Trump trước đà lao dốc của thị trường. Nhóm cử tri chủ chốt của ông – tầng lớp có thu nhập thấp hơn – ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự sụt giảm giá cổ phiếu, và thậm chí có thể coi đây là cái giá phải trả cho các chính sách kinh tế mà họ ủng hộ, chẳng hạn như thuế quan nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, bỏ qua những thiệt hại đối với nhóm thu nhập cao có thể kéo theo hệ quả kinh tế rộng lớn, bất chấp mức độ ảnh hưởng chính trị. Kể từ cuối năm 2019, mức chi tiêu tiêu dùng của nhóm 5% người giàu nhất nước Mỹ đã tăng hơn 50%, trong khi phần còn lại chỉ tăng 20%. Thậm chí, trong năm qua, gần như toàn bộ mức tăng trưởng chi tiêu của nền kinh tế đến từ nhóm thu nhập cao này.

Nếu nhóm người tiêu dùng chủ lực này bắt đầu lo ngại khi trước những cú “rung lắc” mạnh trên thị trường chứng khoán, cú sốc có thể lan rộng, tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế – và đến cuối cùng, người dân ủng hộ bất kỳ đảng phái đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng toàn diện đó.

Tham khảo The Economist, Financial Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật