spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếChặn cửa trước, lọt cửa sau: Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21%...

Chặn cửa trước, lọt cửa sau: Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21% nhưng Trung Quốc vẫn ‘ăn nên làm ra’ nhờ phần còn lại của thế giới

Theo dữ liệu thương mại chính thức đầu tiên sau khi căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong tháng 4, bất chấp kim ngạch sang Mỹ sụt giảm mạnh khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế hơn 100% với hàng hóa Trung Quốc.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái – mức giảm sâu đầu tiên kể từ khi các mức thuế mới bắt đầu có hiệu lực hồi đầu tháng.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm gần 14% do Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế lên hàng Mỹ.

Chặn cửa trước, lọt cửa sau: Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21% nhưng Trung Quốc vẫn ‘ăn nên làm ra’ nhờ phần còn lại của thế giới - ảnh 1

Dù vậy, nhờ tăng trưởng mạnh tại các thị trường khác, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 vẫn tăng 8,1%, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích – dù thấp hơn mức tăng hơn 12% của tháng 3.

Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ và khối ASEAN tăng hơn 20%, còn sang EU tăng 8%. Nhập khẩu toàn cầu của Trung Quốc lại giảm nhẹ 0,2%, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, đưa thặng dư thương mại của nước này lên 96 tỷ USD trong tháng 4.

Thương mại toàn cầu đảo lộn, đàm phán Mỹ – Trung nối lại

Thay đổi chính sách thương mại đột ngột từ phía Mỹ trong vài tháng qua đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Các quốc gia đang vội vã tìm cách đàm phán miễn trừ thuế, trong khi doanh nghiệp tìm mọi cách đưa hàng vào Mỹ trước khi thuế mới có hiệu lực.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng vọt trong tháng 3 lên mức kỷ lục, và nhiều khả năng tiếp tục tăng trong tháng 4 trước khi bắt đầu giảm nhẹ trong tháng 5.

Chặn cửa trước, lọt cửa sau: Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21% nhưng Trung Quốc vẫn ‘ăn nên làm ra’ nhờ phần còn lại của thế giới - ảnh 2
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh

Giám đốc điều hành hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk, ông Vincent Clerc, nhận định: khối lượng vận tải hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 30-40% trong tháng 4, thể hiện những tác động đầu tiên của cuộc chiến thuế quan vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Tuy nhiên, xung đột thương mại hiện nay vẫn chủ yếu là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, các dòng chảy thương mại với phần còn lại của thế giới vẫn ổn định,” ông nói.

Trong khi thương mại trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sụt giảm, xuất khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Malaysia sang Mỹ lại lập kỷ lục trong tháng 3 và 4. Nhiều mặt hàng trong số này có thể xuất phát từ Trung Quốc hoặc sử dụng linh kiện Trung Quốc – cho thấy xu hướng “lách” thuế thông qua sản xuất hoặc lắp ráp tại quốc gia thứ ba.

Chặn cửa trước, lọt cửa sau: Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21% nhưng Trung Quốc vẫn ‘ăn nên làm ra’ nhờ phần còn lại của thế giới - ảnh 3
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu từ Trung Quốc đều đạt kỷ lục vào tháng trước

Chỉ riêng trong tháng 3 và 4, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt gần 30 tỷ USD, phản ánh làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng để né thuế Mỹ.

Mỹ tính giảm thuế xuống dưới 60%

Trong bối cảnh thương mại căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán thương mại đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, trong khi phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong.

Theo các nguồn thạo tin, chính quyền Mỹ đang cân nhắc giảm thuế xuống dưới 60% như bước đi đầu tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả hai bên. Washington cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả tương xứng. Nếu đàm phán tiến triển tích cực, mức giảm thuế có thể được thực thi ngay từ tuần tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu hai bên vẫn duy trì mức thuế trừng phạt hiện tại, thương mại trực tiếp Mỹ – Trung sẽ tiếp tục lao dốc, buộc hàng hóa phải đi đường vòng qua Đông Nam Á – đồng thời có nguy cơ gây thiếu hụt nguồn cung tại Mỹ.

Một rủi ro tiềm tàng khác là thặng dư thương mại gia tăng từ các nước “trung chuyển” có thể khiến Mỹ quay lại áp thuế với họ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật