Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á ghi nhận chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm sâu hơn, trong bối cảnh các nhà máy báo cáo lượng đơn hàng mới, sản lượng và tuyển dụng tiếp tục đi xuống do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và nhu cầu toàn cầu sụt giảm.

Theo dữ liệu do S&P Global công bố ngày thứ Ba, PMI của Đài Loan giảm xuống 47,2 trong tháng 6 từ mức 48,6 của tháng 5 – đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50, ngưỡng phân định giữa mở rộng và thu hẹp hoạt động sản xuất.
Đơn hàng mới và xuất khẩu sụt giảm với tốc độ nhanh hơn, khi “nhiều công ty ghi nhận nhu cầu từ khách hàng trong và ngoài nước đều yếu đi vì lo ngại thuế quan và sự dè dặt của đối tác”, theo bà Annabel Fiddes từ S&P Global Market Intelligence.
Ngay cả với Hàn Quốc – một trung tâm sản xuất lớn của khu vực – dù PMI nhích lên 48,7 trong tháng 6 từ 47,7 của tháng trước, con số này vẫn nằm dưới mức 50. Một số doanh nghiệp ghi nhận dấu hiệu phục hồi nhẹ ở thị trường nội địa, nhưng nhu cầu quốc tế vẫn mờ nhạt, S&P nhận định.
Bức tranh chung trở nên phức tạp hơn khi các dữ liệu khác trong ngày lại cho thấy sự kháng cự nhất định. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 6 bất ngờ bật tăng nhờ doanh số bán chất bán dẫn đạt mức kỷ lục.
Tại Nhật Bản, khảo sát Tankan của Ngân hàng Trung ương cho thấy niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng nhẹ. Ở Trung Quốc, chỉ số PMI sản xuất do tư nhân khảo sát (Caixin-S&P) phục hồi lên mức 50,4, cho thấy cả cung và cầu nội địa đang dần hồi phục.
Tuy vậy, đà tăng của xuất khẩu Hàn Quốc phần nào phản ánh xu hướng “gom hàng sớm” trước khi Mỹ nâng thuế, trong khi dữ liệu PMI Caixin của Trung Quốc lại trái ngược với PMI chính thức công bố hôm thứ Hai, vốn ở mức 49,7, cho thấy sản xuất vẫn trong xu thế thu hẹp.
Các nền kinh tế châu Á khác cũng tiếp tục nằm sâu trong vùng suy giảm. Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều ghi nhận PMI dưới 50, trong đó Indonesia có chỉ số thấp nhất khu vực – chỉ ở mức 46,9 trong tháng 6.
Những số liệu mới nhất phủ bóng lên triển vọng kinh doanh của châu Á – vốn được xem là “công xưởng của thế giới” – trong bối cảnh giai đoạn gia hạn 3 tháng với các biện pháp thuế đáp trả của chính quyền Trump sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7, Washington dự kiến sẽ công bố thêm các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và Anh, đồng thời mở rộng các cam kết thuế quan mới.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Tổng thống Trump bất ngờ nhắm vào Nhật Bản trong vòng “mặc cả” mới nhất. Ông đe dọa áp thuế mới vì Tokyo từ chối nhập khẩu gạo Mỹ. Nếu không đạt được thỏa thuận, thuế nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản vào Mỹ sẽ tăng lên 24% từ ngày 9/7.
Đây là cú đánh lớn vào Nhật Bản – nền kinh tế vừa mới ghi nhận dấu hiệu ổn định trở lại trong tháng 6. PMI sản xuất của nước này tăng lên 50,1, mức cao nhất kể từ tháng 5/2024 và vượt nhẹ ngưỡng mở rộng. Niềm tin của doanh nghiệp đã phục hồi phần nào, với số lượng đơn hàng và tuyển dụng đều tăng.
Tuy nhiên, theo bà Fiddes từ S&P, “muốn sản xuất phục hồi bền vững, chúng ta cần thấy sự cải thiện rõ rệt và ổn định trong nhu cầu của khách hàng – điều vẫn đang bị kìm hãm bởi sự bất định liên quan đến thuế quan của Mỹ”.