Khi những tác động từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu lan rộng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn phải đối mặt với chi phí tăng cao và nguy cơ lợi nhuận sụt giảm, Tesla Inc. của Elon Musk lại nổi lên như một trong số ít bên được hưởng lợi.
Tesla hiện sản xuất toàn bộ xe bán ra tại Mỹ từ các nhà máy nội địa đặt tại California và Texas, qua đó tránh được mức thuế 25% mới áp lên ô tô và linh kiện nhập khẩu. Ngược lại, các đối thủ lớn như Hyundai (Hàn Quốc), Volkswagen (Đức) và General Motors (Mỹ) đang đứng trước nguy cơ chi phí tăng vọt do phần lớn sản phẩm và linh kiện được sản xuất ngoài nước.

Trong tuần này, chính Tesla cũng nhấn mạnh trong một bài đăng trên mạng xã hội X và khẳng định các mẫu xe của hãng “là những chiếc xe được sản xuất tại Mỹ nhiều nhất” – một lời khẳng định vừa mang tính tự hào, vừa là tuyên bố ngầm về lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ ngoại nhập.
“Rất ít người chiến thắng trong câu chuyện này,” Sam Fiorani, Phó Chủ tịch phụ trách dự báo toàn cầu tại AutoForecast Solutions, nhận định. “Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi vì lựa chọn giảm đi và giá xe tăng lên”.
Trong khi đó, hãng Ford Motor Co. cũng có thể hạn chế được tác động, khi khoảng 80% số xe hãng bán tại Mỹ được sản xuất nội địa.
Chính sách thuế mới, bắt đầu có hiệu lực từ tuần tới, áp dụng mức 25% đối với toàn bộ xe chở khách và xe tải nhẹ nhập khẩu, cùng các linh kiện then chốt như động cơ, hộp số và thiết bị điện – bổ sung vào các mức thuế hiện hành.
Tuy nhiên, Tesla không hoàn toàn miễn nhiễm với ảnh hưởng từ chính sách thuế mới. CEO Elon Musk cho biết trong một bài đăng hôm 26/3 trên X rằng các mức thuế quan vẫn sẽ gây ra “tác động đáng kể” đối với công ty, dù không nêu rõ chi tiết.
Bên cạnh đó, vai trò ngày càng nổi bật của tỷ phú Musk trong chính quyền Trump cũng gây ra những nghi vấn về khả năng xung đột lợi ích. Vị tỷ phú công nghệ hiện đang đảm nhiệm vai trò tư vấn và hỗ trợ giám sát việc cắt giảm chi phí hành chính liên bang – một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch cải tổ của ông Trump.
Dù vậy, Tổng thống Trump phủ nhận việc thảo luận hay trao đổi với tỷ phú Elon Musk về chính sách thuế quan. “Ông ấy chưa bao giờ nhờ tôi giúp đỡ trong kinh doanh,” Tổng thống Mỹ phát biểu trong buổi ký sắc lệnh áp thuế hôm 26/3 tại Phòng Bầu dục – “Tôi thực sự hơi ngạc nhiên về lời đồn đó”.

Theo quy định mới, mức thuế 25% sẽ không áp dụng cho ô tô và linh kiện có xuất xứ từ Canada và Mexico – hai quốc gia nằm trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (USMCA). Quy định này mang lại lợi thế cho các hãng xe có chuỗi cung ứng chủ yếu nằm trong khu vực, đồng thời tiếp tục đẩy các nhà sản xuất phụ thuộc vào thị trường châu Á hoặc châu Âu vào thế khó.
Canada và Mexico được kỳ vọng sẽ tận dụng thời gian này để tìm cách trì hoãn hoặc giảm nhẹ việc thực thi chính sách – dù khả năng thành công vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là một đòn giáng mạnh vào chính thỏa thuận thương mại tự do USMCA mà chính quyền Trump từng tự hào đàm phán lại trong nhiệm kỳ đầu, nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng tích hợp bền vững khắp lục địa.
“Đây là một cuộc tấn công trực diện vào thỏa thuận thương mại”, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố, cho thấy sự bất bình ngày càng gia tăng từ các đối tác trong khu vực.
Về phía các thương hiệu ô tô nước ngoài, đặc biệt là những hãng phụ thuộc nặng vào xe nhập khẩu, sức ép đang gia tăng đáng kể. Hyundai Motor Co. – hãng xe hàng đầu của Hàn Quốc – được cho là một trong những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dù sở hữu các nhà máy sản xuất tại bang Alabama và bang Georgia, và vừa công bố kế hoạch đầu tư mở rộng 21 tỷ USD tại Mỹ, Hyundai và công ty liên kết Kia vẫn nhập khẩu hơn một triệu xe vào thị trường Mỹ trong năm ngoái – chiếm hơn 50% tổng doanh số, theo số liệu từ Global Data.
Trước làn sóng chỉ trích, Hyundai nhấn mạnh cam kết dài hạn đối với thị trường Mỹ. “Chúng tôi vẫn cam kết theo đuổi sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp ô tô Mỹ thông qua sản xuất và đổi mới tại địa phương,” công ty cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng họ hiện đang tạo việc làm cho hơn 570.000 lao động tại Mỹ.
Theo Hyuk Jin Yoon – nhà phân tích tại công ty SK Securities có trụ sở tại Seoul – Hyundai và Kia có thể sẽ phải chi trả tới 10 nghìn tỷ won (tương đương 7 tỷ USD) mỗi năm nếu mức thuế 25% được áp dụng đầy đủ với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Khoản chi phí khổng lồ này tương đương gần 40% tổng lợi nhuận hoạt động của hai hãng xe Hàn Quốc trong năm 2024, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và biên lợi nhuận của họ tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Không chỉ các hãng xe châu Á chịu tác động. Toyota Motor Corp. – nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu – dù sở hữu bốn nhà máy lắp ráp tại Kentucky, Indiana, Mississippi và Texas, cùng các cơ sở sản xuất động cơ tại Tây Virginia và Alabama, vẫn nhập khẩu khoảng một nửa số xe bán tại Mỹ.
Một đại diện của Toyota cho biết các hoạt động sản xuất tại Mexico của hãng hoàn toàn tuân thủ hiệp định thương mại USMCA, điều này có thể giúp họ phần nào tránh được tác động tức thì từ chính sách mới.
Ngay cả các hãng “ông lớn” của Detroit cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. General Motors (GM) hiện đang nhập khẩu nhiều mẫu xe từ các nhà máy đặt tại Mexico, Canada và Hàn Quốc – trong đó có các dòng xe bán tải Chevrolet Silverado, SUV cỡ nhỏ Chevy Trax và Equinox, những sản phẩm phổ biến với giá cả phải chăng.
Năm ngoái, chỉ riêng hai mẫu Trax và Equinox đã đạt doanh số hơn 200.000 xe tại Mỹ. GM cũng đang sản xuất các phiên bản chạy điện của Blazer và Equinox tại Mexico, khiến hãng này có thể chịu thêm áp lực từ chính sách thuế mới.
Stellantis NV – công ty mẹ của Jeep, Chrysler và Fiat – cũng có quy mô nhập khẩu đáng kể. Hãng sản xuất các mẫu SUV Jeep Compass và Wagoneer S tại Mexico, nhập khẩu xe minivan Chrysler Pacifica từ Canada, cùng với mẫu Dodge Hornet và Fiat 500 cỡ nhỏ từ Ý.
Ford Motor Co., dù có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn so với các đối thủ đồng hương, vẫn không tránh khỏi tác động. Hãng sản xuất các mẫu xe bán tải nhỏ Maverick tại Mexico, cùng với SUV cỡ nhỏ Bronco Sport và mẫu xe điện Mustang Mach-E – tất cả đều có thể nằm trong diện bị áp thuế.
Tham khảo Sputnik, Business Insider (BI), Financial Times (FT)