Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang lan rộng sang ngành dược phẩm, nơi các mức thuế quan leo thang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ cấu thị trường y tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại vào thứ Hai (7/4), các nhà đầu tư đối mặt với những tín hiệu tiêu cực từ cuộc chiến thương mại leo thang đến mức không thể đoán trước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đại lục hoạt động trong lĩnh vực y tế – công nghệ sinh học lại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh.

Cổ phiếu của ba công ty chuyên sản xuất huyết tương gồm Pacific Shuanglin Bio-pharmacy, Beijing Tiantan Biological Products và China Resources Boya Bio-pharmaceutical Group đã tăng từ 10,6% đến 16,6% chỉ trong 2 ngày, ngay sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ – tương ứng với mức thuế mà Washington áp dụng trước đó.
Theo các chuyên gia, sự bứt phá của nhóm cổ phiếu này đến từ việc Trung Quốc áp thuế lên các sản phẩm huyết tương nhập khẩu từ Mỹ – vốn là nguồn cung chính để đáp ứng nhu cầu trong nước. Protein máu, đặc biệt là albumin, là một trong những mặt hàng dược phẩm xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Trung Quốc và cũng là sản phẩm thường được sử dụng tại các bệnh viện công lớn, theo báo cáo từ SWS Research.
Trong một ghi chú công bố ngày 7/4, các nhà phân tích tại Cinda Securities nhận định: “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các nhà xuất khẩu albumin nước ngoài sẽ phải chịu chi phí tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc, từ đó mở ra cơ hội mở rộng thị phần cho các nhà sản xuất nội địa.”
Albumin – chiếm khoảng 50% tổng lượng protein trong huyết tương – là thành phần thiết yếu trong điều trị các ca mất máu nghiêm trọng, bệnh gan và thận cấp tính. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 645 tấn albumin trong năm 2021, trong đó 63% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, theo số liệu từ Insight and Info, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Bắc Kinh.
Doanh số protein máu tại Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 10,5% mỗi năm kể từ 2020 và được dự báo đạt 42,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,8 tỷ USD) trong năm nay. Trong đó, các nhà xuất khẩu chủ lực từ Mỹ như CSL Behring, Grifols và Baxter đang đứng trước thách thức lớn khi đối mặt với hàng rào thuế quan mới từ Bắc Kinh.
Dữ liệu từ Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Thuốc và Sản phẩm Y tế cho thấy, Mỹ hiện là thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới – đã nhập khẩu khoảng 19 tỷ USD dược phẩm và thiết bị y tế từ Trung Quốc trong năm ngoái, tăng 11,7% so với năm 2023. Dù thương mại thuốc tây giữa hai nước tương đối cân bằng, Trung Quốc hiện đang có thặng dư rõ rệt về thiết bị y tế.

Dù mức thuế cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc tại Mỹ, các nhà phân tích cho rằng tác động đối với ngành thiết bị y tế sẽ tương đối hạn chế trong ngắn hạn. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp trong ngành không phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.
Ông Andrew Fa, Giám đốc điều hành tại LEK Consulting Asia có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định: “Tôi không cho rằng thuế quan là yếu tố quyết định đối với các công ty thiết bị y tế Trung Quốc, bởi thị phần của họ tại Mỹ còn rất nhỏ.”
Ông cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chưa có sự hiện diện mạnh mẽ tại thị trường Mỹ, và trong bối cảnh Mỹ giảm nhập khẩu, các nhà cung cấp châu Âu có khả năng thay thế chỗ đứng của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, mở ra cơ hội mới.
Dù một số doanh nghiệp thiết bị y tế lớn của Trung Quốc có thể tránh được tác động tức thời từ thuế quan, nhiều mặt hàng khác trong lĩnh vực y tế lại đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo của Zhongtai Securities, ngay cả trước khi vòng thuế quan mới nhất có hiệu lực, một số sản phẩm y tế từ Trung Quốc đã phải đối mặt với thuế nhập khẩu rất cao tại Mỹ như Ống tiêm (120%), Găng tay phẫu thuật (70%) và Máy siêu âm màu và thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI) (45%)
Mức thuế cao này đang làm gia tăng chi phí cho các nhà cung cấp, đồng thời gây sức ép lên giá bán và lợi nhuận, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường y tế toàn cầu đang có nhiều biến động.

Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ đáng chú ý. Một số thành phần hoạt tính dùng trong sản xuất thuốc (API) không nằm trong danh sách bị đánh thuế theo chính sách “có đi có lại” của chính quyền Trump. Ví dụ, isoetharine hydrochloride – một hoạt chất được sử dụng trong điều trị viêm phế quản và hen suyễn – hiện vẫn được miễn thuế.
Theo ông Zhu Jiaqi, nhà phân tích tại Zhongtai Securities:”Ngoại trừ một số ít sản phẩm có mã thuế quan riêng biệt, hầu hết các danh mục như vitamin, axit amin, hormone, kháng sinh và thuốc kháng virus đều nằm trong danh sách loại trừ khỏi mức thuế 34%”.
Theo SCMP, việc miễn thuế có thể giúp giảm áp lực lên người tiêu dùng Mỹ. Một báo cáo được công bố gần đây bởi Trung tâm Đổi mới Thành phần Dược phẩm Hoạt tính (API Innovation Center) – một tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Missouri – cho biết các chính sách miễn trừ này có thể giúp giảm thiểu tác động đối với người tiêu dùng Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh rằng hơn 80% trong số 100 loại thuốc generic (thuốc gốc) bán chạy nhất tại Mỹ có thành phần xuất xứ từ nước ngoài.
Điều này cho thấy, mặc dù căng thẳng thương mại đang leo thang, một số lối thoát đã được mở ra nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng y tế thiết yếu, cũng như tránh tác động lan rộng đến chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân Mỹ.
Theo các báo cáo truyền thông, Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm khoảng 70 tỷ USD trong tổng số 213 tỷ USD giá trị thuốc nhập khẩu của Mỹ trong năm ngoái – tương đương gần một phần ba tổng lượng thuốc ngoại nhập của Mỹ. Con số này đã tăng hơn 2,5 lần so với một thập kỷ trước, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn của Mỹ vào nguồn cung dược phẩm từ châu Á.
Tuy nhiên, quyền miễn trừ thuế đối với một số thành phần dược phẩm nhập khẩu có thể không kéo dài. Tổng thống Donald Trump gần đây đã cảnh báo các công ty dược phẩm toàn cầu rằng họ nên chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế quan “rất lớn” trong tương lai gần.
Các mức thuế trả đũa mới từ Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng làm gia tăng nguy cơ Washington sẽ thu hồi quyền miễn trừ hiện tại đối với dược phẩm và thành phần thuốc nhập khẩu.
Trong báo cáo công bố hôm 7/4, bà Cui Cui, Trưởng bộ phận nghiên cứu chăm sóc sức khỏe khu vực châu Á tại Jefferies, nhận định:”Chúng tôi cho rằng chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ sớm áp thuế đối với các loại thuốc thành phẩm từ Trung Quốc.”.
Tuy vậy, theo đánh giá từ một số chuyên gia tài chính, tác động đối với các nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ không quá nghiêm trọng, ngay cả khi các loại miễn trừ bị hủy bỏ. Lý do là Trung Quốc hiện đang thâm hụt thương mại với Mỹ trong lĩnh vực thuốc thành phẩm, tức Mỹ xuất khẩu nhiều thuốc thành phẩm hơn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hơn nữa, bất kỳ mức thuế nào áp lên các thành phần dược phẩm cơ bản (API) từ Trung Quốc cũng có thể dễ dàng được chuyển tiếp vào giá thành, đẩy gánh nặng sang phía khách hàng Mỹ, theo một báo cáo từ một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ.
Thực tế, Trung Quốc vẫn chưa chiếm lĩnh thị trường thuốc thành phẩm tại Mỹ, phần lớn do các rào cản phê duyệt, thử nghiệm lâm sàng và cơ chế phân phối. Các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc thường phải hợp tác với đối tác Mỹ trong các khâu quan trọng như thử nghiệm, tiếp thị và phân phối – điều này hạn chế quy mô xuất khẩu trực tiếp của họ sang Mỹ, bất chấp năng lực sản xuất ngày càng lớn.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)