spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếChịu thuế 190% vẫn không thể rời Trung Quốc: Bài toán nan...

Chịu thuế 190% vẫn không thể rời Trung Quốc: Bài toán nan giải của các doanh nghiệp Mỹ

Ngành công nghiệp tỷ USD của Mỹ vẫn gắn bó với Trung Quốc bất chấp mức thuế quan cao kỷ lục.

Khi nhận được hóa đơn thuế quan trị giá 80.000 USD vào tháng 5 vừa qua, bà Haley Pavone đã phải đưa ra những quyết định khó khăn mà nhiều chủ doanh nghiệp khác ở Mỹ cũng phải đối mặt: tạm ngừng tuyển dụng và áp dụng phí thanh toán trực tuyến để bù đắp chi phí tăng cao.

Bà Pavone, người sáng lập công ty Pashion Footwear có trụ sở tại California và chuyên nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc, cho biết bà vẫn chưa thể chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Không phải vì thiếu nỗ lực, mà bởi việc này đơn giản là không khả thi.

Chịu thuế 190% vẫn không thể rời Trung Quốc: Bài toán nan giải của các doanh nghiệp Mỹ - ảnh 1
Haley Pavone và sản phẩm giày cao gót Pashion Footwear

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tăng cường thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi tái nhiệm, Pavone đã tích cực tìm kiếm các nhà máy thay thế ở Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.

Tuy nhiên, bà nhanh chóng nhận ra những rào cản lớn: các nhà máy này đều yêu cầu đơn hàng tối thiểu cao hơn, trong khi công nhân lại thiếu đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là để sản xuất những đôi giày độc đáo có thể chuyển đổi từ đế bằng sang đế cao. Ngay cả khi tìm được những công ty có công nhân lành nghề ở các nước khác, họ vẫn phải nhập khẩu các linh kiện chính từ Trung Quốc.

Một mẫu thử nghiệm giày cao gót quai mảnh từ nhà máy ở Ấn Độ cho thấy chất lượng không đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế của hãng. Vì vậy, dù mức thuế đối với một số sản phẩm của cô đạt đỉnh điểm 190% vào tháng 4, Pavone vẫn quyết định duy trì hợp tác với các nhà cung cấp hiện tại ở Trung Quốc.

Bài toán nan giải của toàn ngành

Tình cảnh khó khăn mà bà Pavone đối mặt đang diễn ra rộng rãi trong các công ty toàn cầu phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng Mỹ và cơ sở sản xuất Trung Quốc. Kể từ năm 2017, xu hướng đa dạng hóa khỏi Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, điện tử, ô tô và lắp ráp. Tuy nhiên, ngay cả các công ty trong những lĩnh vực này vẫn thường phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc về nguồn cung đầu vào, theo báo cáo của Rhodium Group.

Các nhà phân tích, trong đó có chuyên gia Agatha Kratz, đã nhận định trong báo cáo năm 2025: “Không quốc gia nào có thể sao chép hệ sinh thái sản xuất được tối ưu hóa cao của Trung Quốc ở quy mô lớn, do đó các công ty vẫn chậm chạp trong việc di dời đến các trung tâm sản xuất thay thế”.

Thực tế, việc di dời có thể thậm chí còn thấp hơn so với số liệu chính thức. Khi tính đến sự gia tăng đột biến của các lô hàng de minimis – tức hàng nhập khẩu vào Mỹ được miễn thuế nếu có giá trị dưới 800 USD – và việc chuyển hướng hàng hóa Trung Quốc qua các nước thứ ba, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc chỉ giảm một phần tư so với dự kiến ban đầu.

Theo nghiên cứu mới của một nhóm học giả từ các tổ chức danh tiếng như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ này chỉ giảm 6 điểm phần trăm thay vì 8 điểm phần trăm như kỳ vọng kể từ năm 2017.

“Trung Quốc đang tự thay thế mình ở mức độ lớn hơn cả Mexico hay Ấn Độ thay thế Trung Quốc trên thị trường Mỹ”, nhà kinh tế Caroline Freund – Trưởng khoa Chính sách và Chiến lược Toàn cầu của UC San Diego, đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu – nhận định.

Bên cạnh đó, dữ liệu thương mại gần đây cho thấy rõ sự thay đổi trong dòng chảy thương mại thế giới: xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh, trong khi xuất khẩu sang Đông Nam Á lại tăng vọt. Song song đó, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Đông Nam Á sang Mỹ cũng tăng vọt – thường ở mức kỷ lục – cho thấy nhu cầu hàng hóa và linh kiện từ Trung Quốc vẫn rất lớn tại thị trường Mỹ.

Cuối tháng 6, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất một thỏa thuận thương mại, đồng nghĩa với việc Pavone và các nhà nhập khẩu tương tự không còn phải đối mặt với mức thuế quan khắc nghiệt nhất. Việc Tổng thống Trump áp thuế vào “ngày Giải phóng” 2 tháng 4 đã châm ngòi cho một cuộc chiến trả đũa gay gắt, đẩy mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc lên tới 145%, và một số sản phẩm của Pashion Footwear đã phải chịu mức thuế hiện hành lên tới khoảng 190%.

Tuy nhiên, mức thuế quan cuối cùng sẽ áp dụng vẫn chưa được làm rõ.

Giày của Pashion có giá bán lẻ khoảng 200 USD một đôi với nhiều kiểu dáng và mức giá khác nhau. Thuế quan đang làm giảm biên lợi nhuận, nhưng Pavone cho biết hiện tại doanh nghiệp vẫn có lãi.

Lợi thế khó thay thế của Trung Quốc

Đối với Pavone, thật khó để so sánh nhà máy ở bất kỳ nơi nào với các cơ sở mà cô đã sử dụng gần một thập kỷ tại Đông Quan, Trung Quốc – một trung tâm sản xuất dệt may toàn cầu. Các thành phần nhựa, kim loại và vải cần thiết được cung cấp thông qua một chuỗi cung ứng được tinh chỉnh cẩn thận, với hầu hết các đầu vào đều ở gần kề. Pavone có thể đặt hàng theo lô nhỏ hơn để thử nghiệm các thiết kế mới, đồng nghĩa với việc ít rủi ro tài chính hơn.

Và còn cả chuyên môn sâu sắc nữa. Yaqin Long, chủ sở hữu của nhà cung cấp Lovejoy Studio, là một nhà sản xuất giày dép thế hệ thứ hai. Một nửa số nhân viên tại nhà máy khoảng 2.000 người – nơi sản xuất giày Pashion – là kỹ sư.

Chịu thuế 190% vẫn không thể rời Trung Quốc: Bài toán nan giải của các doanh nghiệp Mỹ - ảnh 2
Doanh nghiệp sản xuất giày dép tại TP.HCM, Việt Nam

Năm 2014, bà Long đã mở thêm một nhà máy tại Việt Nam và dự định xây dựng một cơ sở khác ở Indonesia để tiết kiệm chi phí nhân công, nhưng việc này cũng đòi hỏi đào tạo, đầu tư và thời gian để thực hiện. “Khách hàng Mỹ đang thúc đẩy chúng tôi ra nước ngoài, nhưng việc di chuyển sản xuất rất khó khăn”, bà Long chia sẻ từ văn phòng của mình ở Đông Quan.

Đối với Pavone, việc chuyển đơn hàng sang Việt Nam sẽ đòi hỏi chi phí trả trước ít nhất 50.000 USD, bà ước tính. Và vẫn chưa rõ mức thuế quan mà bà sẽ phải đối mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Tất cả những điều đó có nghĩa là Pavone vẫn đang tính toán con đường tốt nhất để phát triển công ty của mình – công ty khởi nghiệp cách đây khoảng sáu năm và đã tham gia chương trình Shark Tank ở Mỹ.

“Thật tệ, tệ lắm. Tôi không biết mình phải làm công việc của mình thế nào nữa”, Pavone thổ lộ. “Lẽ ra đây phải là một năm tuyệt vời, nhưng thay vào đó, nó lại trở thành một năm được định nghĩa bởi việc chúng tôi có trụ được trên thị trường hay không”.

Tham khảo BNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật