Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số Dow Jones giảm 267,58 điểm – tương đương 0,61% – xuống 43.449,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,39% còn 6.050,61 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,32% xuống 20.109,06 điểm.
Theo đó, Dow Jones đã mất điểm trong 9 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1978. Sự bất thường của Dow Jones xảy ra vào thời điểm thị trường chung đang hoạt động tốt. S&P 500 đã đạt mức đỉnh mới vào ngày 6/12 và hiện chỉ thấp hơn mức đó chưa đến 1%. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng đạt kỷ lục mới vào ngày 16/12.
Theo CNBC, nguyên nhân khiến Dow Jones lao dốc là sự dịch chuyển từ cổ phiếu có tính chu kỳ như tài chính, công nghiệp sang nhóm công nghệ. Hồi tháng 11, những cổ phiếu có tính chu kỳ đã tăng mạnh sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nhóm cổ phiếu tài chính, công nghiệp có sự ảnh hưởng lớn nhất đến Dow Jones chứ không phải cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, Nvidia, thành viên mới của chỉ số này cũng “lao đao” trong khi phần còn lại của lĩnh vực công nghệ đều tăng trưởng. Trong phiên 16/12, cổ phiếu Nvidia đã rơi vào vùng điều chỉnh. Bên cạnh đó, cổ phiếu Tesla lại tăng vào ngày 17/12, mặc dù cổ phiếu Broadcom giảm 3,9%.
David Russell, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation nhận định: “Phố Wall đang nhận thấy thực tế là nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể không tốt cho cổ phiếu như kỳ vọng. Các công ty tài chính đã đi lên từ chiến thắng của ông Trump, nhưng giờ đây nhóm doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với nền lãi suất cao hơn và bất ổn thương mại. Trong khi đó, ngành y tế có thể phải đối mặt với rủi ro chính trị lớn nhất trong giai đoạn gần đây”.
Một số mối quan tâm dẫn đến động thái chốt lời ở các cổ phiếu không phải công nghệ tập trung vào quyết định lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng ngày 19/12 (theo giờ Việt Nam).
Theo công cụ CME Fed Watch, thị trường đang dự báo xác suất 95% Fed sẽ hạ lãi suất 0,25%. Tuy nhiên, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương có thể đang mắc sai lầm và có nguy cơ tạo ra bong bóng thị trường chứng khoán hoặc khiến lạm phát nóng hơn.
Có thể thấy, báo cáo doanh số bán lẻ của tháng 11 tốt hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế, làm tăng thêm mối lo là Fed có thể đang thực hiện hành động không cần thiết.
Theo CNBC
>> Nóng: Một sàn chứng khoán Mỹ được giao dịch 23 tiếng/ngày