Với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến gần, các chính sách kinh tế của hai ứng cử viên hàng đầu là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang trở thành tâm điểm chú ý.
Lo ngại của chuyên gia
Trong đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã phải chịu áp lực vì các đề xuất thuế quan mạnh mẽ của mình.
Các chuyên gia cảnh báo rằng chúng có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc, khiến lạm phát trầm trọng thêm hoặc thậm chí góp phần gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất.
Bất chấp những lời chỉ trích này, ông Trump vẫn kiên quyết với việc thực hiện “thuế quan cơ bản toàn cầu” đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu nếu đắc cử, cũng như áp đặt mức thuế 60% hoặc cao hơn với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại một cuộc vận động ở North Carolina vào ngày 14/8, cựu Tổng thống phát biểu: “Chúng tôi sẽ áp dụng thuế quan từ 10% – 20% đối với các quốc gia nước ngoài đã lừa dối chúng tôi trong nhiều năm qua”.
Ông Trump đã chỉ trích việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài giá rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong nhiều năm đã khiến Mỹ mất đi nhiều công việc sản xuất nội địa. Cựu Tổng thống thường coi áp dụng thuế quan như một giải pháp.
Nhưng trong khi thuế quan có thể đóng một vai trò nhất định trong chính sách kinh tế để giúp bảo vệ các ngành công nghiệp mới non trẻ hoặc quan trọng đối với quốc phòng, các chuyên gia cho biết thuế quan rộng có thể gây nguy hiểm, chủ yếu là vì chúng sẽ buộc các quốc gia bị ảnh hưởng phải phản ứng.
Chiến lược gia đầu tư Joachim Klement tại ngân hàng đầu tư Panmure Liberum (Anh) đã tính toán động tiềm tàng từ chính sách thuế quan của ông Trump – và cuộc chiến thương mại mà ông tin rằng chúng có thể gây ra – trong một báo cáo được Fortune xem qua.
Ông phát hiện ra rằng, mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài và mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ dẫn đến mức lạm phát tăng 1,2 điểm phần trăm trong năm đầu tiên mức thuế có hiệu lực.
Chiến lược gia nói: “Tôi chắc chắn lo ngại về một cú sốc lạm phát đáng kể. Giả sử lạm phát năm sau ở Mỹ là trung bình 2,5% thì, với cuộc chiến thương mại, nó sẽ tăng lên 3,7%”.
Klement không mong đợi một cuộc chiến thương mại sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm tới. Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế nước này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại và phản ứng của Fed đối với lạm phát tăng cao sau đó.
“Rõ ràng nếu lạm phát bị đẩy lên gần mức – trong từng tháng – cao hơn 4%, điều đó có nghĩa là Fed phải phản ứng. Và cũng có nghĩa là họ có thể phải bắt đầu tăng lãi suất trở lại”, ông giải thích. “Đó là lúc Mỹ sẽ gặp rắc rối”.
Tổn hại đến nền kinh tế
Nước Mỹ có lịch sử lâu dài về việc ban hành các gói thuế quan rộng rãi. Văn bản luật quan trọng đầu tiên được Tổng thống George Washington ký sau khi phê chuẩn Đạo luật Thuế quan năm 1787, áp dụng mức phí 50 xu/tấn đối với hàng hóa nhập khẩu từ tàu nước ngoài để giúp bảo vệ ngành sản xuất mới nổi của Mỹ và tăng doanh thu cho Chính phủ.
Trong khi đó, ông Trump nổi tiếng là người đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018 khi quyết định áp dụng thuế quan toàn diện lên quốc gia này, cũng như Canada, Mexico, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Mặc dù sử dụng ngôn từ ít gay gắt hơn, chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì mức thuế của ông Trump đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Các quan chức thậm chí còn áp đặt mức thuế mới đối với pin xe điện xuất xứ từ Trung Quốc vào đầu năm nay.
Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Đại học Northwestern, lập luận rằng điều này sẽ có nghĩa là bất kể ai đắc cử, họ có thể vẫn áp dụng mức thuế cao với hàng hóa Trung Quốc. Quy mô cũng như phạm vi của các mức thuế này sẽ là điểm khác biệt chính giữa ông Trump và bà Harris.
Giáo sư nhận định: “Tôi mong đợi chính quyền bà Harris sẽ có cách tiếp cận có hệ thống và mục tiêu hơn. Họ gọi chiến lược của mình là ‘hàng rào cao và sân nhỏ’ – nghĩa là họ chỉ muốn áp dụng thuế cao để bảo vệ một số lĩnh vực như chất bán dẫn, xe điện. Trong khi ông Trump muốn thuế quan rộng rãi hơn”.
Chính những mức thuế quá rộng này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại, phần lớn vì chúng buộc Trung Quốc phải phản ứng. “Trung Quốc, dù muốn hay không, cũng buộc phải phản ứng, họ không thể mất đi vị thế trong nước”, Qian giải thích.
Giáo sư cảnh báo ngành nông nghiệp Mỹ có khả năng trở thành mục tiêu của Trung Quốc nhằm đáp trả mức thuế mà ông Trump đề xuất.
Bà lấy ngành công nghiệp sữa làm ví dụ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã nhập khẩu 13% tổng lượng sữa từ Mỹ vào năm 2023.
Nhu cầu ngày càng tăng về sữa và sữa chua của quốc gia đông dân này biến nơi đây trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất sữa Mỹ.
Qian bình luận: “Đây là một ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong một cuộc chiến thương mại. Điều này sẽ gây bất lợi cho ông Trump về mặt chính trị nếu ông ban hành mức thuế cao”.
Hơn nữa, không chỉ ngành công nghiệp sữa bị đe dọa. Klement giải thích rằng khi các quốc gia áp dụng thuế quan rộng rãi, các doanh nghiệp khó có thể tìm được nhà cung cấp mới rong một sớm một chiều. Điều này gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu.
Ông chỉ ra nguy cơ này sẽ gây ra 2 tác động – tạo ra cú sốc lạm phát và giảm tốc độ tăng trưởng GDP đáng kể.
Trong nghiên cứu của mình, Klement nhận thấy rằng nếu ông Trump áp đặt thuế 20% lên tất cả hàng nhập khẩu nước ngoài, cộng với một cuộc chiến thương mại sau đó, sẽ khiến GDP Mỹ giảm khoảng 0,3% trong trung hạn và GDP toàn cầu tụt gần 0,4% trong cùng kỳ.
Khi kết hợp với lạm phát và lãi suất tăng, điều đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề.
“Nếu một quốc gia đã ở trong vị thế yếu kém, vì nền kinh tế tổng thể không tăng trưởng mạnh, nó có thể đẩy một nước như Mỹ rơi vào suy thoái”, ông lưu ý.
Theo Fortune, CNN, FT