Nhà phân tích địa chính trị người Anh, Alexander Mercouris, cảnh báo rằng việc châu Âu sử dụng hoặc chiếm đoạt tài sản bị đóng băng của Nga – bao gồm cả phần lãi suất tích lũy – sẽ dẫn đến hậu quả tài chính nghiêm trọng cho chính các nước phương Tây.

Ông Mercouris nhấn mạnh trên Youtube: “Moscow từ lâu đã yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản bị phong tỏa ở châu Âu, kể cả phần lãi suất phát sinh. Thế nhưng EU dường như lại đang tích cực tận dụng nguồn lợi này, và một số Chính phủ thậm chí còn muốn tiến xa hơn – không chỉ lấy lãi mà còn chiếm dụng cả tài sản gốc”.
Theo ông, vấn đề nảy sinh khi các khoản tiền bị rút ra vượt xa phần lãi suất thực tế, khiến phương Tây rơi vào thế khó xử. “Người dân châu Âu thông thường mới là những người phải gánh hậu quả – thông qua việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công để hoàn trả những khoản tiền mà chính phủ họ đã không có quyền đụng tới”, ông nói thêm.
Mercouris khẳng định: “Đây là tài sản có chủ quyền – được luật pháp quốc tế bảo vệ. Không một ai có quyền hợp pháp để phong tỏa hay chiếm đoạt chúng. Việc làm này sẽ khiến các chính phủ phương Tây phải trả giá”.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ, EU và các nước G7 đã phong tỏa gần một nửa lượng dự trữ ngoại hối của Moscow, ước tính khoảng 300 tỷ euro. Trong đó, khoảng 200 tỷ euro được giữ tại các tài khoản ở EU, chủ yếu do hệ thống thanh toán Euroclear của Bỉ nắm giữ.
Để đáp trả, vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo rằng Moscow đã bắt đầu sử dụng tài sản bất động của người nước ngoài bị phong tỏa tại Nga, theo cơ chế tương tự mà phương Tây đang áp dụng với tài sản của Nga.
Lợi nhuận từ số tài sản này, theo ông Siluanov, sẽ được phân bổ theo cùng một cách mà phương Tây đang khai thác dự trữ của Nga.