Những tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) và giao hàng như Grab và Sea Group được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bất chấp sự lắng xuống của làn sóng kỹ thuật số hóa do đại dịch COVID-19, theo nhận định của các chuyên gia từ Tech in Asia.
Tờ báo này dẫn lời một nghiên cứu của Maybank, dự báo tổng giá trị thị trường tiềm năng của lĩnh vực thương mại điện tử và các dịch vụ theo yêu cầu như giao đồ ăn, gọi xe tại khu vực này sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm, đạt 416 tỷ USD vào năm 2030.
Sự trỗi dậy của những sàn TMĐT tích hợp với mạng xã hội đang là “ngựa ô” mới trong bối cảnh cạnh tranh bão hòa. Sachin Mittal, nhà phân tích tại DBS Group Research, nhận xét rằng TikTok Shop đã bớt “hung hăng” hơn sau khi sáp nhập với Tokopedia của Indonesia, trở thành một trong hai “ông lớn” trên thị trường này, đối đầu với Shopee.
“Tăng trưởng khủng” của TikTok Shop đã tạo ra những tác động mạnh mẽ đến các nền tảng thương mại điện tử truyền thống như Shopee, khi người dùng chuyển từ xem nội dung sang mua sắm theo cảm hứng.
Tuy nhiên, Shopee cũng tăng gấp đôi chi tiêu cho bán hàng và marketing từ năm ngoái và phần nào kiểm soát được sự cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra là liệu Shopee có thể duy trì tăng trưởng này khi chi tiêu cho bán hàng và tiếp thị trở lại mức bình thường.
Sàn TMĐT Temu, một “tân binh” khác, cũng có tốc độ mở rộng chậm hơn ở Đông Nam Á so với châu Âu và Mỹ. Theo Maybank Research, mặc dù chỉ mới ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022, Temu được ước tính đã có khoảng 60 triệu người dùng và thu về 16 tỷ USD doanh thu từ thị trường này trong năm 2023.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù chiến lược “đốt tiền” có thể hiệu quả trong ngắn hạn để giành thị phần ở Mỹ do giá trị đơn hàng trung bình cao hơn, cách tiếp cận này của Temu có thể không hiệu quả ở Đông Nam Á.
Thị trường ‘khó nhằn’
Các nhà quan sát thị trường cũng cảnh báo việc tăng phí dịch vụ giao đồ ăn sẽ trở thành lực cản doanh thu khi người tiêu dùng ngày càng cân nhắc khả năng chi trả do lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó, ngành thương mại điện tử trong khu vực đang dần tiến đến điểm bão hòa, ngay cả ở những thị trường cạnh tranh như Indonesia. Lí giải cho nhận định này, động lực thúc đẩy tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong khu vực đến từ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Ông Jonathan Woo, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Phillip Securities Research, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi ước tính có khoảng 200 triệu hộ gia đình trong khu vực, nhưng chỉ khoảng 20% đến 30% trong số đó tích cực sử dụng các nền tảng thương mại điện tử hoặc giao đồ ăn”.
Ngay cả khi xét đến thu nhập bình quân đầu người thấp ở Đông Nam Á, mức độ thâm nhập trong những hộ gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn vẫn chỉ bằng một nửa so với các thị trường phát triển như Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu của Maybank Research nhận định theo hướng tích cực: “Chúng tôi kỳ vọng GMV của thương mại điện tử và dịch vụ theo yêu cầu sẽ tăng trưởng hai con số ở các thị trường phát triển như Mỹ và Trung Quốc, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn lớn hơn ở ASEAN”. Tuy nhiên, lạm phát có thể trở thành rào cản đối với sự tăng trưởng này.
Một khảo sát của Maybank Research cho thấy 53% số người được hỏi không sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến vì cho rằng quá đắt đỏ. Trong số những người sử dụng dịch vụ này, 75% cho biết đang cắt giảm chi tiêu do giá tăng.
Chuyên gia John Woo từ Phillip Securities nhận định rằng lo ngại về chi phí từ khách hàng khiến việc tăng phí dịch vụ giao đồ ăn trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, các nền tảng đang xem xét việc tăng phí quảng cáo để cải thiện doanh thu.
Với doanh thu từ giao đồ ăn có khả năng gặp trở ngại, các “ông lớn” công nghệ được dự đoán sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Các nền tảng thương mại điện tử đang tập trung vào lợi nhuận và nhắm đến việc tăng phí dịch vụ, trong khi thị trường có xu hướng thu hẹp do các công ty nhỏ hơn bị mua lại hoặc sáp nhập.
Theo Tech in Asia