Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, trong quý III, nợ phải trả đầu tư trực tiếp trên cán cân thanh toán của Trung Quốc đã giảm 8,1 tỷ USD và giảm tổng cộng gần 13 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
“Nợ phải trả đầu tư trực tiếp” chính là phần nghĩa vụ tài chính trong tổng vốn FDI đó mà quốc gia hoặc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trả.
Đây là dấu hiệu suy giảm đáng kể sau khi dòng vốn nước ngoài vào Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2021. Nguyên nhân chính đến từ căng thẳng địa chính trị, lo ngại về triển vọng kinh tế, và sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nội địa. Nếu xu hướng này kéo dài đến cuối năm, đây sẽ là lần đầu tiên FDI ròng của Trung Quốc âm kể từ năm 1990.
Nhiều tập đoàn lớn đã thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc trong năm nay như Nissan Motor, Volkswagen AG và Konica Minolta. Điển hình là việc Nippon Steel rút khỏi liên doanh vào tháng 7, và IBM giải thể bộ phận nghiên cứu phần cứng, ảnh hưởng tới khoảng 1.000 nhân viên.
Viễn cảnh chiến tranh thương mại mở rộng và quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Donald Trump có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư vào Trung Quốc. Theo Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, căng thẳng địa chính trị là mối quan ngại hàng đầu của các nhà đầu tư.
“Điều này gây khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư quy mô lớn, tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy các thành viên thực hiện đầu tư vừa và nhỏ,” ông chia sẻ tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc tuần trước. “Đây là một môi trường đầu tư có tính chọn lọc cao”.
Mặc dù vậy, các biện pháp kích thích kinh tế từ cuối tháng 9 đã mang lại một số tín hiệu tích cực. Giá trị cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng hơn 26% kể từ tháng 8.
Chỉ số chứng khoán chuẩn cũng tăng gần 21% trong tháng 9, dù sau đó có phần điều chỉnh giảm.
Ngược lại, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh với 34 tỷ USD trong quý III, nâng tổng mức đầu tư trong năm lên 143 tỷ USD – mức cao thứ ba trong lịch sử cho cùng kỳ.
Các công ty như BYD đang nhanh chóng mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo nguồn nguyên liệu và gia tăng năng lực sản xuất tại các thị trường nước ngoài. Xu hướng này có khả năng tiếp tục và mở rộng, nhất là khi ngày càng nhiều quốc gia áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, chẳng hạn như thép, và Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.
Theo MSN