spot_img
26.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếDự án AI tiềm năng nhất của Trung Quốc bất ngờ sa...

Dự án AI tiềm năng nhất của Trung Quốc bất ngờ sa thải phần lớn nhân sự, xóa sạch dấu vết trên Weibo: Chuyện gì đang xảy ra?

Trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, công ty này được cho là đang dịch chuyển trọng tâm sang Singapore với tham vọng toàn cầu hóa, tận dụng nguồn vốn quốc tế và tránh rào cản địa chính trị.

Từng được ca ngợi là một trong những dự án AI tiềm năng nhất từ Trung Quốc, Manus AI bất ngờ khiến giới công nghệ rúng động khi đồng loạt sa thải phần lớn nhân sự tại văn phòng Bắc Kinh và xóa sạch dấu vết khỏi các nền tảng mạng xã hội nội địa.

Động thái này diễn ra ngay trước thềm công ty lên kế hoạch dời trụ sở chính sang Singapore – một bước đi được đánh giá là mang tính chiến lược giữa bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.

Theo SCMP, quyết định cắt giảm nhân sự quy mô lớn nằm trong khuôn khổ tái cơ cấu toàn diện. Cùng lúc, mọi nội dung trên các nền tảng phổ biến của Trung Quốc như Weibo hay RedNote đều biến mất không dấu vết – động thái khiến cộng đồng người dùng và giới quan sát đặt ra hàng loạt câu hỏi về tương lai của công ty này tại thị trường quê nhà.

Người dùng khi truy cập ứng dụng Manus hiện chỉ nhận được thông báo “Dịch vụ không khả dụng tại khu vực của bạn” – trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó rằng phiên bản dành riêng cho thị trường Trung Quốc đang trong quá trình phát triển. Điều này cho thấy Manus dường như đã dứt khoát đóng lại cánh cửa với thị trường này.

Dự án AI tiềm năng nhất của Trung Quốc bất ngờ sa thải phần lớn nhân sự, xóa sạch dấu vết trên Weibo: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Manus AI bất ngờ thông báo sa thải phần lớn nhân viên tại Bắc Kinh tuần trước. Ảnh: SCMP

Về lý do sa thải nhân viên, Manus giải thích ngắn gọn: “Để nâng cao hiệu quả vận hành, chúng tôi quyết định tái cấu trúc một số bộ phận kinh doanh”. Tuy nhiên, công ty không đề cập cụ thể đến việc rút lui khỏi Trung Quốc, một chi tiết càng làm dấy lên nhiều đồn đoán.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, việc Manus chuyển hướng sang Singapore cho thấy rõ tham vọng mở rộng thị trường quốc tế, tiếp cận nguồn vốn và người dùng toàn cầu.

Ngay từ khi ra mắt, ứng dụng “Tác Nhân AI” của Manus đã được thiết kế ưu tiên cho người dùng quốc tế – với giao diện tiếng Anh, yêu cầu đăng nhập bằng Gmail hoặc Apple ID – những yếu tố khiến người dùng Trung Quốc gặp không ít rào cản truy cập.

Về mặt kỹ thuật, sản phẩm của Manus phụ thuộc vào các mô hình ngôn ngữ lớn như Claude của Anthropic (vốn không khả dụng tại Trung Quốc) cùng với các phiên bản tinh chỉnh từ mã nguồn mở Qwen của Alibaba. Sự phụ thuộc này khiến việc duy trì dịch vụ trong nước trở nên khó khăn.

Trong khi đó, tại Singapore, Manus đang tăng tốc tuyển dụng hơn 20 vị trí thuộc các mảng kỹ thuật, thiết kế và pháp lý. Hoạt động trên mạng xã hội quốc tế của công ty cũng rất sôi động, khi các lãnh đạo cấp cao liên tục cập nhật thông tin về những tính năng mới cũng như tham gia các sự kiện công nghệ và cộng đồng nhà phát triển toàn cầu.

Dự án AI tiềm năng nhất của Trung Quốc bất ngờ sa thải phần lớn nhân sự, xóa sạch dấu vết trên Weibo: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 2
Tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc khác chuyển địa điểm hoạt động sang Singapore. Ảnh: SCMP

Đội ngũ lãnh đạo của Manus gồm CEO Xiao Hong, Giám đốc sản phẩm Zhang Tao và trưởng nhóm khoa học Peak Ji Yichao – đều là những gương mặt quen thuộc trên nền tảng X và các mạng xã hội quốc tế khác.

Điều thú vị là, mặc dù Manus AI đang chuyển mình ra quốc tế, sản phẩm của họ thực chất được phát triển tại Trung Quốc dưới tên gọi startup Butterfly Effect – đơn vị vẫn đang hoạt động ở quốc gia châu Á này. Đội ngũ tại Vũ Hán hiện vẫn tiếp tục phát triển tiện ích mở rộng trình duyệt Chrome mang tên Monica, tích hợp nhiều mô hình AI dành cho người dùng toàn cầu.

Được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu như ZhenFund, HongShan và Tencent, Manus đã huy động thành công 75 triệu USD từ Benchmark – quỹ đầu tư hàng đầu tại Thung lũng Silicon – vào tháng 4, nâng định giá công ty lên 500 triệu USD.

Tuy nhiên, khoản đầu tư từ Mỹ đồng thời khiến công ty lọt vào tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ do các quy định mới nhằm kiểm soát dòng vốn đổ vào công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc, bao gồm AI, chất bán dẫn và điện toán lượng tử.

Với tư cách là một thực thể Singapore và được kiểm soát bởi một công ty mẹ đăng ký tại quần đảo Cayman, Manus dường như đã “đi trước một bước” để tránh các rào cản pháp lý.

Chia sẻ trên nền tảng Jike hôm 9/7, CEO Xiao Hong viết: “Việc tạo ra một sản phẩm thực sự toàn cầu đi kèm với những thử thách ít liên quan đến chất lượng sản phẩm hay trải nghiệm người dùng”. Ông bày tỏ kỳ vọng chứng minh rằng các nhà sáng lập người Trung Quốc hoàn toàn có thể thành công trong môi trường quốc tế mới.

Theo SCMP

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật