Theo hãng tin RT, đây là kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW). Đầu tháng 4, ông Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu 20% đối với tất cả hàng hóa của EU và mức thuế 25% đối với mọi ô tô nhập khẩu nhằm xóa bỏ những gì Washington coi là thâm hụt thương mại lớn với EU.
Trong khi đó, EU cũng cảnh báo có thể áp mức thuế đáp trả 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Hiện tại, hai bên đều tạm hoãn triển khai các biện pháp thuế quan này trong vòng 90 ngày để tiến hành đàm phán.

IW hôm 17/4 cho biết, nếu không đạt được thỏa thuận và Mỹ quyết định áp thuế mới, tổng thiệt hại của EU ước tính sẽ dao động từ 780 – 1.100 tỷ Euro (tương đương 886,5 – 1.250 tỷ USD) từ năm 2025 – 2028. Viện nghiên cứu này dự đoán, GDP của Đức có thể giảm 1,2% hàng năm trong cùng khoảng thời gian trên vì tác động từ đòn thuế của Mỹ.
Nền kinh tế Đức vốn đối mặt với nhiều thách thức, được cho cũng sẽ chỉ đạt tăng trưởng 0,1% vào năm nay. IW nhận định, tổng sản lượng kinh tế Đức sẽ mất 180 tỷ Euro (khoảng 205 tỷ USD) vào năm 2028, chủ yếu là do thiệt hại về xuất khẩu và đầu tư giảm.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2024, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 253 tỷ Euro (287,5 tỷ USD). Các chuyên gia cảnh báo, thương chiến có thể tác động lớn đến các lĩnh vực quan trọng bao gồm ô tô và dược phẩm.
Cũng theo IW, mặc dù Mỹ tạm hoãn áp thuế mới trong 90 ngày, nhưng sự không chắc chắn của các cuộc đàm phán đang ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất thỏa thuận thuế quan “0 đổi 0” để xóa bỏ thuế đối với hàng hóa công nghiệp giữa EU và Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã từ chối lời đề nghị, đồng thời yêu cầu EU cam kết mua 350 tỷ USD năng lượng của Mỹ để được giảm thuế.
Đầu tuần này, các quan chức Washington và Brussels đã nhóm họp để đàm phán thương mại, nhưng không đạt nhiều tiến triển trong việc giải quyết các bất đồng. Theo Bloomberg, giới chức Mỹ ám chỉ, hầu hết các mức thuế mới ban hành với hàng hóa của EU có khả năng vẫn được thực thi.
>> ‘Vũ khí bí mật’ của Trung Quốc và EU để ứng phó với đòn thuế từ Mỹ