Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã có kế hoạch áp thuế đối với máy bay của Boeing và ô tô sản xuất tại Mỹ, động thái có thể khiến hơn 100 tỷ euro (114 tỷ USD) hàng xuất khẩu của Mỹ chịu thuế bổ sung.
Các mặt hàng công nghiệp của Mỹ sẽ là mục tiêu lớn nhất trong danh sách trừng phạt mới, bên cạnh đó là thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp. Danh sách này dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu công bố vào hôm nay (8/5).

Một phụ phí đánh vào máy bay của Boeing được cho là nhằm “làm cân bằng sân chơi” với Airbus SE, nhà sản xuất có trụ sở tại Toulouse, Pháp, đang bị Mỹ áp thuế nhập khẩu. Boeing, nhà xuất khẩu sản xuất lớn nhất của Mỹ, sẽ trở thành mục tiêu rõ ràng nếu EU quyết định đáp trả các mức thuế đơn phương mà ông Trump đã áp dụng lên hàng hóa châu Âu cũng như với nhiều đối tác thương mại khác.
Trong khi đó, Boeing vốn đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khi Bắc Kinh khuyến cáo các hãng hàng không trong nước hoãn nhận máy bay của hãng.
Ủy ban châu Âu – cơ quan phụ trách chính sách thương mại của EU – đã tiến hành nhiều cuộc gặp với các quan chức Mỹ kể từ khi ông Trump công bố mức thuế phổ quát 20% (sau đó giảm tạm thời xuống 10% cho đến tháng 7) đối với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU, cùng với mức thuế 25% áp lên ô tô và kim loại.
Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu từ chối bình luận. Boeing hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Căng thẳng gia tăng, đàm phán bế tắc
Cổ phiếu Boeing đã giảm tới 1,3% tại New York sau thông tin trên, dù tổng cộng vẫn tăng 4,4% trong năm nay nhờ cải thiện chất lượng sản xuất.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ gần như rơi vào bế tắc. EU cho biết các cuộc điều tra thương mại đang diễn ra của ông Trump có thể khiến giá trị hàng hóa EU bị áp thuế tăng lên 549 tỷ euro – tương đương 97% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nước này đã nhập khẩu hơn 52,3 tỷ USD ô tô mới từ EU trong năm ngoái, trong khi chỉ xuất khẩu 11,3 tỷ USD, phần lớn là SUV của BMW và Mercedes-Benz sản xuất tại Mỹ.
Ngoài ra, các sản phẩm và linh kiện hàng không là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang EU, đạt tổng trị giá 35,3 tỷ USD trong năm 2023. Khách hàng của Boeing bao gồm nhiều hãng hàng không lớn tại châu Âu như Air France-KLM và Lufthansa.
Tuy nhiên, nhiều hãng bay ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã tuyên bố sẽ từ chối nhận máy bay nếu chúng bị đánh thuế bổ sung. Ryanair – khách hàng lớn nhất của Boeing tại châu Âu – thậm chí tuyên bố có thể hủy đơn đặt hàng trị giá 33 tỷ USD và chuyển sang hãng sản xuất khác nếu mức thuế mới khiến chi phí tăng quá cao.
“Nếu không có tiến triển, phải có đáp trả tương xứng”
Trong suốt nhiều thập kỷ, máy bay và linh kiện đã được miễn thuế theo một hiệp định năm 1979 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, tranh chấp giữa Boeing và Airbus từng khiến đôi bên áp thuế lẫn nhau dưới thời ông Trump, cho đến khi các mức thuế này được dỡ bỏ vào năm 2021.
Đầu tuần này, CEO Airbus Guillaume Faury công khai ủng hộ việc EU áp thuế lên Boeing nếu không đạt được tiến triển trong đàm phán. “Châu Âu đang đàm phán, nhưng nếu không có kết quả tích cực, tôi cho rằng – và chúng tôi cũng kỳ vọng – sẽ có những mức thuế tương ứng áp lên máy bay của Mỹ”, ông phát biểu tại một sự kiện ở Paris.
Theo các nguồn tin thân cận, EU dự kiến sẽ chia sẻ một tài liệu chính sách với Mỹ trong tuần này nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán. Các đề xuất của EU sẽ bao gồm việc giảm rào cản thương mại – cả thuế quan và phi thuế – đồng thời tăng cường đầu tư vào thị trường Mỹ.