Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 1 đã nhất trí rằng họ cần thấy lạm phát giảm hơn nữa trước khi hạ lãi suất, đồng thời bày tỏ lo ngại về tác động của các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt.
Nội dung này được nêu rõ trong biên bản cuộc họp được công bố vào rạng sáng ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam).
Tại cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất sau ba lần cắt giảm liên tiếp với tổng mức giảm lên tới một điểm phần trăm trong năm 2024.
Khi đưa ra quyết định này, các thành viên Fed đã thảo luận về những tác động có thể xảy ra từ chính quyền mới, bao gồm chính sách thuế quan, việc nới lỏng quy định và cắt giảm thuế. Họ nhận định rằng chính sách tiền tệ hiện tại không còn quá thắt chặt như trước, giúp Fed có thêm thời gian để đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Quan ngại về áp lực lạm phát và chính sách thương mại
Các thành viên FOMC cho rằng chính sách hiện tại giúp họ có thời gian đánh giá tình hình kinh tế, thị trường lao động và lạm phát. Phần lớn đều cho rằng chính sách tiền tệ vẫn còn thắt chặt.
Họ nhấn mạnh nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì việc làm ổn định, Fed cần thấy lạm phát giảm rõ rệt trước khi xem xét điều chỉnh lãi suất.

Các quan chức Fed cũng lo ngại những thay đổi trong chính sách có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao hơn mục tiêu. Hiện tại, Tổng thống Trump đã áp dụng một số mức thuế và gần đây còn đe dọa sẽ tăng thêm.
Trong cuộc họp báo ngày 19/2 (theo giờ Việt Nam), ông Trump cho biết đang cân nhắc áp thuế 25% lên ô tô, dược phẩm và chip, với kế hoạch tăng dần trong năm.
Dù chưa công bố chi tiết, các mức thuế này có thể làm chính sách thương mại trở nên căng thẳng hơn, khiến giá cả tăng thêm, trong khi lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
Tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế và triển vọng chính sách
Biên bản cuộc họp FOMC đã nhấn mạnh ảnh hưởng của những thay đổi tiềm tàng trong chính sách thương mại và nhập cư, cùng với sức mua mạnh mẽ của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp ở nhiều khu vực kinh tế cho biết họ dự định tăng giá bán để bù đắp chi phí cao hơn do thuế quan.
Các thành viên FOMC cũng cảnh báo về nguy cơ lạm phát tăng cao hơn, đặc biệt do ảnh hưởng từ chính sách thương mại và nhập cư.
Kể từ cuộc họp tháng 1, hầu hết quan chức Fed đều tỏ ra thận trọng khi nói về chính sách sắp tới. Nhiều người cho rằng mức lãi suất hiện tại giúp Fed có thêm thời gian đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô như việc làm và lạm phát, kế hoạch của Tổng thống Trump về tài khóa và thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Fed.
Dù lo ngại thuế quan có thể làm lạm phát tăng, biên bản cuộc họp cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế, chủ yếu nhờ kỳ vọng vào việc nới lỏng quy định của Chính phủ hoặc thay đổi trong chính sách thuế.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các mức thuế mà ông Trump dự định áp dụng có thể khiến lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, Fed cho biết họ sẽ chỉ can thiệp nếu lạm phát kéo dài và tạo áp lực lâu dài, thay vì chỉ là biến động tạm thời.
Các số liệu lạm phát gần đây có xu hướng trái chiều: giá tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh hơn dự báo, nhưng giá bán buôn lại cho thấy chi phí đầu vào đang giảm bớt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell chưa đưa ra dự đoán cụ thể về tác động của thuế quan. Tuy nhiên, một số quan chức Fed đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách thương mại của ông Trump có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed, thậm chí khiến kế hoạch cắt giảm lãi suất bị trì hoãn.
Hiện thị trường dự đoán lần giảm lãi suất tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 9. Phạm vi lãi suất của Fed hiện đang được duy trì trong khoảng 4,25% – 4,5%.
Theo CNBC
>> Chuyên gia nhấn mạnh ‘chìa khóa then chốt’ để Fed hạ lãi suất, cảnh báo rủi ro lớn từ ông Trump