spot_img
33.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếFed công bố biên bản cuộc họp tháng 6, thị trường sắp...

Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6, thị trường sắp đón ‘bất ngờ’ từ lãi suất?

Một số ít quan chức Fed cho rằng đợt cắt giảm tiếp theo có thể diễn ra ngay trong tháng này, trong khi một nhóm khác cho rằng không cần thiết phải cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tại cuộc họp ngày 17-18/6 vừa qua, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có ý kiến khác nhau về việc nên cắt giảm lãi suất ở mức độ nào. Một số lo ngại rằng lạm phát do thuế quan gây ra có thể tăng cao, trong khi những người khác lại chú ý đến dấu hiệu chững lại của thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Biên bản cuộc họp được công bố vào rạng sáng ngày 10/7 (theo giờ Việt Nam) cho thấy các nhà hoạch định chính sách phần lớn vẫn giữ lập trường “chờ đợi và theo dõi” đối với các bước đi tiếp theo. Cuộc họp kết thúc với việc các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhất trí giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25%–4,5%, mức đã được duy trì từ tháng 12/2024.

Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt trong nội bộ Fed về định hướng chính sách tiền tệ sắp tới. “Phần lớn các thành viên đánh giá rằng việc giảm nhẹ lãi suất trong năm nay có thể là phù hợp”, biên bản viết. Các quan chức cho rằng áp lực lạm phát do thuế quan gây ra có khả năng chỉ là “tạm thời và ở mức độ nhẹ”, trong khi tăng trưởng kinh tế và tuyển dụng có thể suy yếu.

fed-16638143325881406435442.jpeg
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell

Tuy nhiên, mức độ cắt giảm ra sao vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Một số ít quan chức cho rằng đợt cắt giảm tiếp theo có thể diễn ra ngay trong tháng này, trong khi một nhóm khác cho rằng không cần thiết phải cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Dù biên bản không nêu tên cụ thể, Thống đốc Fed Michelle Bowman và Christopher Waller trước đó đã phát biểu công khai rằng họ có thể ủng hộ việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 29–30 tháng 7 tới nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát.

Đồng thời, “nhiều” quan chức cho rằng mức lãi suất hiện tại “có thể đã tiệm cận mức trung tính”, tức chỉ cần một vài đợt cắt giảm nữa là đủ. Nhóm này viện dẫn thực tế rằng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% trong khi nền kinh tế cho thấy sự “kiên cường”.

Tại cuộc họp, Fed đã cập nhật dự báo chính sách với kỳ vọng sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm trong năm nay, và thêm ba đợt nữa trong vài năm tới. Tuy nhiên, biểu đồ “dot plot” thể hiện quan điểm riêng lẻ của từng thành viên lại cho thấy sự chia rẽ lớn về mức độ cần thiết của các lần cắt giảm.

Thông tin này được công bố trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép buộc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự phải cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn. Trong các phát ngôn công khai và trên nền tảng Truth Social, ông Trump nhiều lần chỉ trích ông Powell, thậm chí kêu gọi ông từ chức.

Ông Powell nhiều lần khẳng định sẽ không để áp lực chính trị ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách tiền tệ. Ông thường xuyên nhấn mạnh lập trường thận trọng, cho rằng khi nền kinh tế vẫn mạnh và triển vọng lạm phát còn chưa rõ ràng, Fed đang ở vị thế tốt để “án binh bất động” cho đến khi có thêm dữ liệu rõ ràng hơn.

Biên bản cuộc họp phần lớn phản ánh lập trường này, cho rằng chính sách hiện tại đang ở vị trí phù hợp để phản ứng với bất kỳ thay đổi nào trong dữ liệu kinh tế.

“Các thành viên đồng thuận rằng dù mức độ bất định liên quan đến lạm phát và triển vọng kinh tế đã giảm, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách thận trọng vẫn là điều cần thiết”, biên bản nêu rõ.

Các quan chức cũng lưu ý rằng họ “có thể phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn nếu lạm phát vẫn ở mức cao trong khi triển vọng việc làm suy yếu”. Trong tình huống đó, họ sẽ cân nhắc yếu tố nào đang xa rời mục tiêu hơn để đưa ra quyết định chính sách phù hợp.

Kể từ sau cuộc họp, Tổng thống Trump tiếp tục đàm phán với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong bối cảnh chính sách thuế quan liên tục thay đổi theo từng ngày. Kể từ khi ông Trump công bố đợt thuế quan đầu tiên vào ngày 2/4, thời hạn cho các thỏa thuận đã nhiều lần được điều chỉnh, gần đây nhất là việc ông gửi hàng loạt thư cảnh báo tới các nhà lãnh đạo nước ngoài về các mức thuế sắp áp dụng nếu họ không hành động.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy thuế quan của ông Trump chưa gây ảnh hưởng đáng kể đến giá cả tiêu dùng trên diện rộng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Năm chỉ tăng 0,1%. Dù các chỉ báo lạm phát vẫn ở trên mục tiêu 2% của Fed, các cuộc khảo sát tâm lý gần đây cho thấy công chúng ngày càng bớt lo ngại về lạm phát trong tương lai.

“Nhiều thành viên lưu ý rằng ảnh hưởng cuối cùng của thuế quan đến lạm phát có thể bị giới hạn nếu các thỏa thuận thương mại sớm đạt được, nếu các doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh chuỗi cung ứng, hoặc nếu họ sử dụng các biện pháp khác để giảm thiểu tác động từ thuế quan”, biên bản cho biết.

Cùng thời điểm, tăng trưởng việc làm đã chậm lại đáng kể, mặc dù tốc độ tăng lương vẫn thường xuyên vượt dự báo. Tháng Sáu ghi nhận mức tăng 147.000 việc làm, vượt xa dự báo 110.000, trong khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống 4,1%.

Chi tiêu tiêu dùng lại đang có dấu hiệu chững lại. Chi tiêu cá nhân trong tháng Năm giảm 0,1%, trong khi doanh số bán lẻ sụt mạnh 0,9%.

Theo CNBC

>> Áp lực từ ông Trump: Fed sẽ giảm lãi suất nhiều hơn ngay sau khi ông Powell ‘rời ghế’?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật