spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếGã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở...

Gã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở Thái Bình: Cổ đông lớn thứ 2 của Mercedes-Benz, thâu tóm cả Volvo

Hành trình gần 40 năm của Geely là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn, sự đổi mới không ngừng và tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu.

Năm 2024, thị trường ô tô Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự xuất hiện của Geely – tập đoàn ô tô toàn cầu sở hữu Volvo, cổ đông lớn nhất của Mercedes-Benz và đối tác chiến lược của nhiều thương hiệu danh tiếng như Aston Martin, Lotus và Smart.

Sau khi đưa Volvo vươn lên vị trí top 4 xe sang tại Việt Nam, Geely đang mở rộng thị phần với các thương hiệu Lynk & Co, Zeekr và Geely Auto thông qua hợp tác với Tasco – đơn vị phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam.

Gã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở Thái Bình: Cổ đông lớn thứ 2 của Mercedes-Benz, thâu tóm cả Volvo - ảnh 1
Đại diện Geely, Tasco và Ban quản lý Khu kinh tế Thái Bình ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Ảnh: Tasco Auto

Không dừng lại ở đó, tập đoàn này còn cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam bằng cam kết đầu tư 168 triệu USD vào một nhà máy lắp ráp tại Thái Bình – một bước đi chiến lược đầy tham vọng.

Nhà máy này dự kiến khởi công vào đầu năm 2025 và đi vào hoạt động từ năm 2026, không chỉ phục vụ nhu cầu lắp ráp ô tô mà còn hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện, đào tạo nhân lực và phát triển công nghệ tại nước ta.

4 thập kỷ khẳng định đẳng cấp

Được thành lập năm 1986 bởi doanh nhân Li Shufu, Zhejiang Geely Holding (Geely) khởi đầu khiêm tốn với sản xuất phụ tùng tủ lạnh và linh kiện xe máy. Năm 1994, Geely trở thành công ty đầu tiên tại Trung Quốc sản xuất xe gắn máy.

Đến năm 1997, sau những nỗ lực không ngừng, Geely ghi danh vào lịch sử khi trở thành nhà sản xuất ô tô tư nhân đầu tiên của quốc gia tỷ dân. Chỉ 3 năm sau, doanh số của tập đoàn đã đạt 150.000 xe – chính thức lọt vào top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc vào năm 2002.

Gã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở Thái Bình: Cổ đông lớn thứ 2 của Mercedes-Benz, thâu tóm cả Volvo - ảnh 2
Geely nằm trong top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Ảnh: Geely

Những bước tiến mạnh mẽ đã giúp đưa Geely từ một công ty nội địa trở thành tập đoàn quốc tế, với chiến lược dịch chuyển từ dòng xe giá rẻ sang các sản phẩm công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đỉnh cao chiến lược đến vào năm 2010, khi tập đoàn thâu tóm Volvo từ Ford với giá 1,8 tỷ USD – cũng là thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thời điểm bấy giờ.

Đây là thương vụ mở đường cho Geely tiếp cận công nghệ tiên tiến và tăng cường uy tín trên thị trường quốc tế.

Kể từ đó, Volvo không ngừng phát triển, đạt doanh số kỷ lục 708.716 xe vào năm 2023 cùng lợi nhuận ấn tượng 25,6 tỷ SEK.

Toàn cầu hóa và đột phá công nghệ

Vào năm 2018, Geely gây chú ý khi trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Daimler (công ty mẹ của Mercedes-Benz), đồng thời sở hữu 51% cổ phần Lotus – hãng xe thể thao nổi tiếng của Anh.

Geely cũng không ngừng mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á khi mua lại gần 50% cổ phần của hãng xe hàng đầu Malaysia Proton, giúp thương hiệu này phục hồi mạnh mẽ. Năm 2019, Proton lần đầu tiên vượt mốc doanh số 100.000 xe và tiếp tục tăng lên 154.611 xe vào năm 2023 (tăng 9,3% so với năm trước).

Tiếp tục vươn lên, hãng xe Trung Quốc còn tiên phong phát triển các thương hiệu xe mới như Lynk & Co và Zeekr, nhắm tới thị trường cao cấp và xe điện.

Sau 8 năm ra mắt, Lynk & Co hiện rất được ưa chuộng tại châu Âu, Mỹ và Trung Đông, trong khi Zeekr nhanh chóng mở rộng ra hơn 30 quốc gia và ghi nhận doanh số hơn 310.000 xe trên toàn cầu chỉ trong 33 tháng – một kỷ lục đối với các nhà sản xuất xe thuần điện.

Gã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở Thái Bình: Cổ đông lớn thứ 2 của Mercedes-Benz, thâu tóm cả Volvo - ảnh 3
Thương hiệu Volvo của Geely. Ảnh: Wikiwand

Tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững

Không chỉ tập trung vào sản xuất ô tô, Geely cũng chú trọng đến công nghệ trong tầm nhìn dài hạn khi đầu tư hơn 20 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong một thập kỷ qua.

Tập đoàn đẩy mạnh xây dựng mạng lưới R&D toàn cầu, từ Thượng Hải đến California, và hiện sở hữu đội ngũ nhân viên hơn 30.000 người cùng 32.000 bằng sáng chế.

Một trong những sáng kiến đột phá là việc phóng 9 vệ tinh quỹ đạo thấp nhằm hỗ trợ kết nối thông minh cho các phương tiện vào năm 2022, đặt nền móng cho công nghệ xe tự lái và các dịch vụ di động trong tương lai.

Đến tháng 9/2024, con số này đạt 30 vệ tinh và dự kiến tăng lên 72 vào cuối năm 2025, hướng tới mục tiêu triển khai 6.000 vệ tinh để cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc di động và tín hiệu băng thông rộng tốc độ trên toàn cầu.

Bước đi này thể hiện tầm nhìn dài hạn của Geely trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiên tiến và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Ngoài ra, Geely còn vận hành nhiều nhà máy sản xuất xe và hệ thống truyền động tiên tiến thế giới tại Trung Quốc, Mỹ, Anh, Thụy Điển, Bỉ và Malaysia, đồng thời sở hữu mạng lưới bán hàng và dịch vụ trên toàn thế giới bao gồm hơn 4.000 chi nhánh.

Gã khổng lồ ô tô Trung Quốc sắp xây nhà máy ở Thái Bình: Cổ đông lớn thứ 2 của Mercedes-Benz, thâu tóm cả Volvo - ảnh 4
Geely “nhá hàng” tại Việt Nam. Ảnh: Geely

Nhờ vào sự đổi mới liên tục, Geely vẫn nằm trong top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Doanh số 11 tháng đầu năm 2024 của hãng mới đây vừa chính thức cán mốc hơn 3 triệu xe, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xe điện chiếm hơn 1,3 triệu – tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh số quốc tế đạt gần 1,2 triệu xe, tăng 22% so với năm ngoái.

Với tầm nhìn chiến lược, Geely không chỉ mở rộng thị phần mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ, chiến lược M&A và cam kết bền vững đã đưa Geely trở thành biểu tượng của sự thành công trong thời đại mới.

Tổng hợp

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật