Thủ tướng Nhật Bản đối diện khả năng từ chức vì cuộc khủng hoảng lạm phát và giá gạo tăng “chóng mặt”
Giá gạo tại Nhật Bản đã tăng vọt 99,2% trong tháng 6/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu (18/7), làm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Shigeru Ishiba trước thềm cuộc bầu cử cuối tuần này.

Sự ủng hộ của công chúng đối với chính quyền của ông Ishiba đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi vị nguyên thủ quốc gia này nhậm chức vào tháng 10 năm 2024, một phần do sự bất mãn với chi phí sinh hoạt leo thang.
Một trong những nguyên nhân chính gây phẫn nộ là lạm phát, đặc biệt là giá gạo tăng mạnh, cùng với các bê bối trong nội bộ đảng cầm quyền tại Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ tư thế giới hiện tại (sau Mỹ, Trung Quốc và Đức).
Giá ngũ cốc tại “xứ sở Phù Tang” đã tăng 101% trong tháng 5/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 98,4% trong tháng 4 và hơn 92,5% trong tháng 3.
Tổng thể, tỷ lệ lạm phát cốt lõi của Nhật Bản đã giảm xuống còn 3,3% trong tháng 6, từ mức 3,7% của tháng 5, theo số liệu từ Bộ Nội vụ.
Chỉ số này, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, thấp hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường là 3,4%.
Nếu loại trừ cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, chỉ số giá tiêu dùng của “đất nước mặt trời mọc” đã tăng 3,4%, nhích 0,1% so với mức 3,3% của tháng 5.
Các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử vào Chủ nhật (20/7) cho thấy liên minh cầm quyền có thể mất thế đa số tại Thượng viện, điều này có thể buộc ông Ishiba phải từ chức Thủ tướng Nhật Bản sau chỉ chưa đầy 1 năm tại vị.
Hồi tháng 10 năm ngoái, liên minh của vị chính trị gia 68 tuổi này cũng đã mất đa số ghế tại Hạ viện, đánh dấu kết quả tồi tệ nhất trong 15 năm qua của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng cầm quyền gần như liên tục tại Nhật Bản kể từ năm 1955.
Thêm đau đầu vì áp lực thuế quan từ Mỹ, cử “sứ giả” đến Washington đến 7 lần mà chưa “ăn thua”
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba còn đang chịu thêm áp lực phải đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi mức thuế mới 25% có hiệu lực vào ngày 1/8/2025.
Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ Nhật Bản vào nền kinh tế lớn nhất thế giới như ô tô, thép và nhôm đã bị “xứ sở cờ hoa” áp thuế nặng.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn các công ty Nhật sản xuất nhiều hơn tại Mỹ, đồng thời muốn Tokyo mua thêm hàng hóa Mỹ – đặc biệt là khí đốt, dầu mỏ, ô tô và gạo nhằm giảm thâm hụt thương mại 70 tỷ USD với cường quốc châu Á này.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã cử đặc phái viên thương mại Ryosei Akazawa sang Washington tới 7 lần để đàm phán và có lịch đón tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào ngày 18/7.
Ông Akazawa cũng có kế hoạch tham gia đàm phán và cùng ông Bessent đến thăm Triển lãm Thế giới tại Osaka vào ngày 19/7, theo thông tin từ Chính phủ Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ từ năm ngoái khi lạm phát tăng lên, nhưng lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đã buộc cơ quan này phải giảm tốc độ điều chỉnh.
Một số nguyên nhân đẩy giá gạo tại Nhật Bản tăng mạnh gồm mùa hè nắng nóng và khô hạn nghiêm trọng 2 năm trước khiến mùa màng trên toàn quốc bị ảnh hưởng. Từ đó, một số thương lái đã tích trữ gạo để chờ giá lên nhằm kiếm lời, theo các chuyên gia.
Vấn đề càng trầm trọng hơn do làn sóng tích trữ gạo hoảng loạn năm ngoái sau khi Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra một trận “đại địa chấn” – điều mà sau đó đã không xảy ra.
Chính quyền của Thủ tướng Ishiba đã thực hiện bước đi hiếm hoi là xả kho gạo dự trữ khẩn cấp từ tháng 2 năm nay – điều mà Nhật Bản thông thường chỉ làm trong thảm họa thiên nhiên.
“Các chính sách thay đổi thất thường, sự thay đổi chính sách, sự chậm trễ trong việc chuyển giá từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng và đồng yên mất giá sẽ khiến áp lực giá cả tăng cao trong thời gian tới”, chuyên gia Stefan Angrick từ công ty Moody’s Analytics nhận định.
“Với việc tăng lương danh nghĩa đang chững lại, tiền lương thực tế sẽ chưa thể cải thiện trong tương lai gần. Và đà tăng lương có thể còn chậm lại do ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ và những mối đe dọa mới đối với ngành sản xuất và thị trường lao động”, ông Angrick nói trong một ghi chú phân tích.
“Điều này khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rơi vào thế khó. Chúng tôi dự báo BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian ngắn, nhưng lãi suất có khả năng sẽ tăng vào tháng 1 năm sau, thậm chí sớm nhất là tháng 12 năm nay”.
Theo CNA