Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, ngày càng nhiều gia đình siêu giàu tại châu Á đang cắt giảm mạnh các khoản đầu tư vào tài sản Mỹ. Họ cho rằng các chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Một văn phòng quản lý tài sản chuyên phục vụ các tỷ phú Trung Quốc cho biết họ đã thoái vốn hoàn toàn khỏi các khoản đầu tư tại Mỹ, chuyển dòng tiền sang các thị trường châu Á. Một Giám đốc cấp cao của một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Âu tiết lộ rằng quy mô bán tháo gần đây từ giới đầu tư giàu có là “chưa từng có trong ba thập kỷ qua” và có thể là dấu hiệu của một sự dịch chuyển lâu dài.
Một lãnh đạo ngân hàng hàng đầu tại châu Á thậm chí đã bán tới 60% danh mục tài sản bằng USD của mình, cho rằng việc nắm giữ tiền mặt và vàng hiện tại là an toàn hơn.

Khoảng 10 văn phòng quản lý tài sản và cố vấn tài chính cho giới siêu giàu – với tổng giá trị danh mục lên tới hàng tỷ USD – cho biết họ đang cắt giảm đầu tư vào tài sản Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ. Nguyên nhân là do chính sách của Mỹ thay đổi quá nhanh, kinh tế vĩ mô bất ổn và lo ngại nguy cơ suy thoái. Một số người từ chối nêu tên vì đây là các quyết định đầu tư cá nhân, mang tính riêng tư.
“Lần đầu tiên, nhiều gia đình giàu có bắt đầu xem xét việc rút bớt vốn khỏi thị trường Mỹ”, ông Henry Hau, Giám đốc điều hành Infinity Family Office có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), chia sẻ. “Trước đây, họ luôn giữ niềm tin vào tài sản Mỹ – kể cả trong giai đoạn bong bóng dot-com, khủng hoảng tài chính châu Á hay khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Nhưng hiện tại, họ đang cân nhắc chuyển từ 20 đến 30% danh mục đầu tư sang Trung Quốc và châu Âu”, ông nói thêm.
Chỉ vài tháng trước, giới doanh nhân châu Á còn hào hứng với chiến thắng của ông Trump, khiến cổ phiếu các ngân hàng và tập đoàn công nghệ tăng vọt. Nhưng hiện tại, tâm lý đã đảo chiều. Trong khi Mỹ mất dần sức hấp dẫn, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục lại nổi lên là điểm đến thay thế. Chỉ số Hang Seng đã tăng hơn 13% từ đầu năm, trong khi chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm khoảng 3%.
“Giới doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, từng kỳ vọng vào một Donald Trump với hình ảnh nhà đàm phán thương mại, chứ không phải một nhà lãnh đạo theo xu hướng chống toàn cầu hóa. Giờ đây, các khách hàng siêu giàu đang rút bớt vốn và xem xét lại chiến lược phân bổ tài sản toàn cầu của mình”, ông Clifford Ng, chuyên gia tại hãng luật Zhong Lun nhận định.
Bà Carman Chan – nhà sáng lập Click Ventures, đơn vị quản lý tài sản gia đình tại Hồng Kông và Singapore – cho biết bà cùng nhiều nhà đầu tư đang chốt lời khỏi thị trường Mỹ, chuyển sang Trung Quốc và Hồng Kông, nơi định giá tài sản được cho là “hấp dẫn hơn”.
Ông Henry Hau cho biết văn phòng của ông đã thực hiện các biện pháp phòng hộ và sẵn sàng bán ra nếu thị trường hồi phục ngắn hạn. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở cấp cá nhân. Các tổ chức quản lý tài sản lớn như Janus Henderson Investors và Amundi SA cũng ghi nhận dòng tiền rút khỏi Mỹ và chuyển sang châu Âu.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới với thị trường chứng khoán lớn nhất hành tinh và vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Đối với giới thượng lưu châu Á, Mỹ không chỉ là nơi để đầu tư mà còn là lựa chọn ưu tiên để gửi con em theo học Đại học.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu xu hướng rút vốn khỏi Mỹ có lan rộng và kéo dài hay không. Một số văn phòng quản lý tài sản cho biết họ chọn cách tạm thời quan sát thị trường thay vì vội vàng bán tháo, vì Mỹ vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn khó thay thế trong dài hạn.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn do dự với thị trường Trung Quốc sau nhiều năm siết chặt doanh nghiệp tư nhân. Một số cố vấn cho giới siêu giàu Trung Quốc cho biết khách hàng của họ đang chờ thêm tín hiệu hỗ trợ rõ ràng hơn từ Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi tăng tỷ trọng đầu tư trong nước.
Các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và với phong cách khó lường, ông Trump hoàn toàn có thể hạ thuế nhanh như cách ông đã áp đặt.
“Điều khiến nhà đầu tư lo ngại nhất chính là sự thiếu ổn định về pháp lý. Nếu các hiệp định thương mại, quyền sở hữu tài sản hay quy định pháp luật không được đảm bảo, họ gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui khỏi thị trường”, ông Clifford Ng nhận định.