Theo một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, giới trẻ Trung Quốc đang mất dần sức tiêu dùng do tình trạng mất việc làm nghiêm trọng, trái ngược hẳn với thói quen chi tiêu của người lớn tuổi vẫn ổn định kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Ông Gao Shanwen (Cao Sơn Văn), nhà kinh tế trưởng tại SDIC Securities, người trước đây từng cố vấn cho các cơ quan quản lý và quan chức cấp cao của Trung Quốc cho rằng trong khi tình trạng già hóa dân số của nước này có thể kìm hãm nền kinh tế trong dài hạn thì người cao tuổi ngày càng nổi bật vì tình hình tài chính lành mạnh hơn và khả năng phục hồi tốt hơn.
“Dân số của một tỉnh càng trẻ thì tốc độ tăng trưởng tiêu dùng càng chậm”, ông Gao phát biểu tại một hội nghị đầu tư ở Thâm Quyến, trích dẫn phân tích của vị chuyên gia kinh tế này về dữ liệu khu vực.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Gao Shanwen cho rằng sau đại dịch Covid-19, ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều “người già năng động, người trẻ tuổi vô hồn và người trung niên tuyệt vọng”.
Những phát biểu không khoan nhượng này nhanh chóng thu hút sự chú ý trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc, bao gồm cả Weibo, nơi các video và bản ghi chép bài phát biểu của Gao đang là xu hướng.
Cách đây chưa đầy 4 năm, tờ Nhân dân Nhật báo đã ca ngợi giới trẻ Trung Quốc là lực lượng chi tiêu quan trọng nhất, là nhóm người tiêu dùng chính của nhiều sản phẩm phổ biến.
Doanh số bán lẻ đã chậm lại kể từ khi sự lây lan của Covid-19 trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022, khi niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống đại dịch cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của Trung Quốc. Khi nền kinh tế chậm lại, việc cắt giảm lương và sa thải trên diện rộng cũng gây căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình và hạn chế chi tiêu.
Mặc dù chiến dịch gần đây của Chính phủ nhằm trợ cấp cho việc mua ô tô và đồ gia dụng đã dẫn đến sự phục hồi trong tiêu dùng, mức tăng trưởng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia kinh tế Gao Shanwen, trước đại dịch, không có mối tương quan mạnh mẽ nào giữa mức tăng trưởng tiêu dùng của một khu vực và mô hình nhân khẩu học của khu vực đó. Sự thay đổi trong những năm gần đây phản ánh thực tế là khoản thanh toán lương hưu của người về hưu vẫn ổn định, trong khi triển vọng việc làm của những người trẻ tuổi lại mờ nhạt, ông cho biết.
“Ít nhất là đối với những người trẻ tuổi, sự tự tin của họ vào thu nhập trong tương lai đã giảm đáng kể, hoạt động chi tiêu của đối tượng này đã bị thắt chặt và mong muốn mua nhà của họ cũng bị hạn chế”, ông nói. “Nhưng tất cả những vấn đề này không tồn tại đối với nhóm dân số cao tuổi”.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn ở mức cao 17,1% vào tháng 10 năm nay, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc ở khu vực thành thị.
Ông Gao cho biết có thể có tổng cộng 47 triệu người nước này không thể tìm được việc làm chính thức ở các thành phố trong 3 năm qua, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức vẫn ổn định, trích dẫn phân tích của ông về xu hướng trước đại dịch trong số liệu việc làm ở thành thị. Con số này tương đương với 10% lực lượng lao động thành thị của Trung Quốc vào năm ngoái.
Những người đó có thể đã quay trở lại quê nhà ở vùng nông thôn hoặc chuyển sang làm việc tự do, nghĩa là họ không được tính vào số liệu thống kê chính thức, ông Gao nói. Các phân tích độc lập khác cũng chỉ ra thực tế thị trường việc làm suy yếu hơn so với số liệu chính thức.
Trong một tuyên bố táo bạo khác, ông Gao ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể đã bị tính toán quá cao, vượt 10 điểm % trong 3 năm qua, dựa trên phân tích của ông về sự khác biệt giữa dữ liệu về tăng trưởng kinh tế và sự mở rộng trong các lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư và lực lượng lao động.
Một số nhà kinh tế khác đã đặt câu hỏi về tính chính xác của dữ liệu chính thức được nước này công bố về tăng trưởng GDP trong năm 2022 và 2023.
Theo Fortune/MarketScreener