Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai bởi nhu cầu dầu mỏ dự kiến vẫn đạt đỉnh điểm trong một thập kỷ tới.
Ngân hàng đầu tư này ước tính nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới, với nhu cầu dầu thô đạt đỉnh điểm vào khoảng 110 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2034. Các nhà phân tích cho rằng điều này là do nhu cầu gia tăng ở khu vực châu Á và nhu cầu đối với các sản phẩm từ dầu mỏ cũng ngày càng tăng cao.
Ảnh minh họa |
Nhu cầu gia tăng có thể gây ra tình trạng thiếu nguồn cung, đặc biệt nếu các công ty tiếp tục giảm chi tiêu vốn. Theo một cuộc khảo sát do Oil & Gas Journal thực hiện, chi tiêu của sáu nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm ExxonMobil và Chevron, có thể giảm tới 3,8 tỷ USD trong năm nay.
Giám đốc điều hành tại Goldman Sachs Nikhil Bhandari và Amber Cai, một nhà phân tích tại ngân hàng này, cho biết: “Chúng tôi cho rằng nhu cầu sẽ đạt đỉnh điểm trong một thập kỷ tới, và quan trọng hơn, sau thập kỷ đạt đỉnh, nhu cầu sẽ đi ngang thay vì giảm mạnh trong vài năm tiếp theo”. “Mặc dù nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh điểm vẫn sẽ tiếp tục kéo dài một thập kỷ nữa, nhưng nguồn vốn đầu tư cho sản xuất dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ đang chậm lại, góp phần hạn chế nguồn cung trong trung hạn”.
Giá dầu sụt giảm vào cuối năm 2023, một phần do sản lượng dầu thô bùng nổ ở Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên, sản lượng của Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô trong nước chỉ tăng 2% so với mức năm 2023.
Các nhà sản xuất dầu khác cũng đang tiếp tục giảm sản lượng. OPEC+, tổ chức gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác do Saudi Arabia đứng đầu, đã quyết định gia hạn cắt giảm nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày đến năm 2025, theo thông cáo từ cuộc họp gần đây nhất.
Giá dầu đã tăng cao hơn trong tháng qua khi thị trường cân nhắc triển vọng cung và cầu. Dầu thô Brent đã tăng 8% so với mức thấp vào đầu tháng 6, giao dịch quanh mức 84,51 USD/thùng.