spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếGoldman Sachs: Vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce, thách thức đà tăng...

Goldman Sachs: Vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce, thách thức đà tăng của USD

Mới đây, Goldman Sachs đã đưa ra dự báo rằng giá vàng sẽ tăng 11% lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025

Ngân hàng này đã củng cố dự báo của mình trong tuần này, bất chấp những trở ngại mới nổi làm giảm đà tăng mạnh của kim loại quý.

Vàng – một trong những tài sản hoạt động tốt nhất năm nay – đã dao động trong vài tháng gần đây khi các tài sản cạnh tranh tăng giá mạnh dưới tác động từ cuộc bầu cử của ông Donald Trump.

Chẳng hạn, vàng thường chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên, và điều này đang diễn ra. Chỉ số Dollar Index đã tăng gần 6% tính từ đầu năm đến nay, với đà tăng mạnh từ tháng 10.

Goldman Sachs: Vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce, thách thức đà tăng của USD - ảnh 1

Ảnh minh họa

“Chúng tôi phản bác ý kiến phổ biến rằng vàng không thể tăng lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, trong một thế giới mà đồng USD duy trì đà tăng mạnh”, ngân hàng cho hay hôm 11/12.

Yếu tố thứ nhất: Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Goldman nhận định chính sách tiền tệ của Fed là yếu tố then chốt thúc đẩy giá vàng. Ngân hàng dự đoán lãi suất sẽ giảm đáng kể vào năm 2025, và đây là một trong những dự báo mang tính “ôn hòa” nhất của phố Wall. Goldman kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm hơn 100 điểm cơ bản, xuống còn khoảng 3,25%-3,5% vào năm sau.

vàng không mang lại lợi tức, nó thường khó cạnh tranh với các tài sản sinh lời khi lãi suất cao. Tuy nhiên, động lực này sẽ thay đổi khi chi phí vay giảm.

“Theo kịch bản, chúng tôi dự đoán giá vàng sẽ được thúc đẩy tăng thêm 7% từ việc Fed cắt giảm thêm 125 điểm cơ bản đến cuối năm 2025”, Goldman nhận định.

Rủi ro chính với dự báo 3.000 USD/ounce là lãi suất quỹ liên bang có thể duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến. Ví dụ, nếu Fed chỉ giảm thêm 25 điểm cơ bản (và đồng USD mạnh lên), Goldman ước tính giá vàng sẽ chỉ đạt khoảng 2.890 USD/ounce vào cuối năm 2025.

Ngân hàng cũng lưu ý rằng các quỹ ETF vàng thường tăng dần trong vòng sáu tháng sau khi Fed cắt giảm lãi suất, làm gia tăng áp lực lên nguồn cung vàng vốn dĩ hạn chế.

Yếu tố thứ hai: Đồng USD mạnh thúc đẩy làn sóng mua vàng của các Ngân hàng Trung ương

Các tổ chức nước ngoài đã trở thành nguồn cầu chính cho vàng kể từ năm 2022, sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, dẫn đến một cuộc đua tìm kiếm các lựa chọn thay thế dự trữ đồng USD. Nhiều quốc gia coi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow là tín hiệu để đa dạng hóa khỏi đồng USD, qua đó thúc đẩy làn sóng mua vàng của các Ngân hàng Trung ương.

Goldman kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, với dự đoán các ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ mua thêm 30 tấn vàng mỗi tháng đến năm 2025 – mức mua cao hơn nhiều so với trước khi Nga bị trừng phạt.

Mặc dù đồng USD mạnh lên có thể gây áp lực buộc một số thị trường mới nổi phải giữ dự trữ đồng USD, Goldman dự đoán các Ngân hàng Trung ương lớn sẽ tăng cường dự trữ vàng để bù đắp sự yếu kém của đồng nội tệ.

“Những người mua chính như Trung Quốc – quốc gia có dự trữ đồng USD lớn và lợi ích chiến lược dài hạn trong việc đa dạng hóa – thậm chí có thể tăng nhu cầu vàng trong giai đoạn đồng nội tệ yếu để củng cố niềm tin vào đồng tiền nước này”, các nhà phân tích nhận định, dẫn chứng rằng điều này đã xảy ra trong các giai đoạn đồng nhân dân tệ suy yếu trước đây.

Yếu tố thứ ba: Vàng và đồng USD đều có lý do chung để tăng vào năm 2025

Mặc dù vàng thường suy yếu khi đồng USD tăng, điều này thường xảy ra khi đồng USD phản ánh sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên, lần này, đồng USD đang tăng do các vấn đề quốc tế, chứ không phải kỳ vọng lãi suất cao hơn.

“Khi các cú sốc thuế quan – một yếu tố chính trong triển vọng đồng USD mạnh hơn trong thời gian dài của các chiến lược gia ngoại hối vào năm 2025 – hoặc các cú sốc địa chính trị nói chung thúc đẩy sức mạnh của đồng USD, đều sẽ thúc đẩy đồng USD và vàng cùng tăng”, Goldman cho biết.

Sự bất ổn gia tăng xung quanh địa chính trị và rủi ro thị trường chứng khoán có thể trở thành động lực cho cả hai tài sản này, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn hàng đầu.

“Chúng tôi ước tính các cú sốc thuế quan – được đo lường bằng mức tăng 10 tỷ USD trong doanh thu thuế quan kỳ vọng của Mỹ vào năm 2019 – đã thúc đẩy giá vàng tăng 0,4% và TWI của đồng USD tăng 0,3%, do sự bất ổn gia tăng và các điều khoản thương mại của Mỹ được cải thiện”, các nhà phân tích kết luận.

Theo Markets Insider

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật