Google đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể trị giá 5 tỷ bảng Anh (tương đương 6,6 tỷ USD) tại Vương quốc Anh, với cáo buộc rằng tập đoàn công nghệ Mỹ đã lạm dụng “quyền thống trị gần như tuyệt đối” trên thị trường tìm kiếm trực tuyến để áp đặt mức giá quảng cáo cao bất hợp lý và làm tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh.
Đơn kiện được nộp lên Tòa án Phúc thẩm Cạnh tranh Vương quốc Anh vào ngày 17/4, cáo buộc Google hạn chế các công cụ tìm kiếm cạnh tranh và củng cố vị thế độc quyền, qua đó trở thành lựa chọn gần như duy nhất cho quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.

Luật sư Or Brook, chuyên gia về luật cạnh tranh, đại diện cho hàng trăm nghìn tổ chức tại Anh từng sử dụng dịch vụ quảng cáo tìm kiếm của Google từ ngày 1/1/2011 đến thời điểm nộp đơn kiện. Brook được hỗ trợ pháp lý bởi hãng luật Geradin Partners.
“Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Anh gần như không có lựa chọn nào khác ngoài Google để quảng bá sản phẩm và dịch vụ”, Brook tuyên bố. “Google bị nhiều cơ quan quản lý trên thế giới đánh giá là một công ty độc quyền, và việc xuất hiện trên các trang đầu kết quả tìm kiếm là yếu tố sống còn với nhiều doanh nghiệp.”
Bà nhấn mạnh, Google đã tận dụng vị thế thống trị để áp đặt mức phí quảng cáo cao bất hợp lý. “Vụ kiện nhằm buộc Google chịu trách nhiệm pháp lý và yêu cầu bồi thường cho các nhà quảng cáo tại Anh bị thiệt hại”.
Phản hồi trước các cáo buộc, Google gọi vụ kiện tập thể lần này là “một vụ kiện mang tính suy đoán và cơ hội khác”, đồng thời khẳng định sẽ “kiên quyết phản đối” trước tòa.
“Người tiêu dùng và nhà quảng cáo chọn Google vì sự tiện ích, không phải vì thiếu các lựa chọn thay thế”, người phát ngôn của Google chia sẻ với CNBC.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) công bố năm 2020, Google chiếm tới 90% tổng doanh thu trên thị trường quảng cáo tìm kiếm tại Anh – một con số cho thấy mức độ áp đảo của hãng trong lĩnh vực này.
Đơn kiện cho rằng Google đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì và mở rộng vị thế thống trị của mình, trong đó có việc ký kết các thỏa thuận với nhà sản xuất điện thoại thông minh để cài đặt sẵn Google Search và trình duyệt Chrome trên các thiết bị Android, cũng như chi trả hàng tỷ USD cho Apple để duy trì Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.
Ngoài ra, Google cũng bị cáo buộc tối ưu hóa công cụ quản lý quảng cáo Search Ads 360 – sản phẩm được nhiều doanh nghiệp sử dụng – để ưu tiên các sản phẩm quảng cáo của chính mình, qua đó làm suy giảm hiệu quả cạnh tranh của các nền tảng đối thủ.
Vụ kiện lần này đánh dấu một bước đi pháp lý mới nhằm vào Big Tech – các tập đoàn công nghệ Mỹ vốn ngày càng bị chỉ trích vì ảnh hưởng vượt trội và khả năng kiểm soát thị trường toàn cầu.
Google không phải là cái tên duy nhất vướng vào các rắc rối pháp lý. Năm 2018, tập đoàn này đã bị Ủy ban châu Âu phạt 4,3 tỷ euro (khoảng 4,9 tỷ USD) vì lạm dụng hệ điều hành Android để ép các nhà sản xuất điện thoại cài đặt sẵn Chrome và Google Search. Tính đến nay, công ty vẫn đang trong quá trình kháng cáo.
Cùng thời điểm, Meta – công ty mẹ của Facebook – đang phải hầu tòa trong một vụ kiện chống độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) khởi xướng. Vụ kiện có thể buộc Meta phải chia tách hai nền tảng lớn là Instagram và WhatsApp.
Tại Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường cũng đang gây sức ép với các tập đoàn công nghệ đám mây. Tháng 1 vừa qua, cơ quan này đã kêu gọi điều tra Amazon và Microsoft do lo ngại hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực điện toán đám mây. Trước đó, vào tháng 12/2024, một vụ kiện tập thể khác cáo buộc Microsoft tính phí quá cao cho khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây cạnh tranh, với mức bồi thường được yêu cầu lên tới hơn 1 tỷ bảng Anh. Vụ kiện do luật sư cạnh tranh Maria Luisa Stasi đứng đơn.
Sự gia tăng các vụ kiện cho thấy một làn sóng phản ứng pháp lý ngày càng mạnh mẽ từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đối với quyền lực độc quyền của các ông lớn công nghệ trong thời đại số.
Tham khảo CNBC