Căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang nghiêm trọng vào ngày 10/5 khi cả hai nước cáo buộc nhau phát động các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở quân sự đối phương.
Giới chức Pakistan cho biết, vào sáng sớm 10/5, ít nhất ba căn cứ không quân nước này đã bị Ấn Độ tấn công bằng tên lửa không đối đất, trong đó có căn cứ Nur Khan gần thủ đô Islamabad. Nhân chứng tại thành phố Rawalpindi, nơi đặt căn cứ Nur Khan, báo cáo đã nghe thấy ít nhất ba tiếng nổ lớn, kèm theo hình ảnh “quả cầu lửa khổng lồ” có thể nhìn thấy từ khoảng cách hàng dặm.

Đáp trả, Pakistan tuyên bố đã phóng tên lửa đất đối đất tầm ngắn vào một số cơ sở quân sự của Ấn Độ, bao gồm các căn cứ không quân Udhampur và Pathankot, cùng một cơ sở lưu trữ tên lửa. Quân đội nước này mô tả hành động đáp trả là “ăn miếng trả miếng”.
Phía Ấn Độ sau đó xác nhận đã tấn công các mục tiêu quân sự của Pakistan, bao gồm hai trạm radar, nhằm đáp lại đợt tấn công mà họ cho là do Pakistan thực hiện trước đó, sử dụng máy bay không người lái, vũ khí tầm xa và máy bay chiến đấu, nhắm vào 26 vị trí của Ấn Độ. Theo phát ngôn viên quân đội Ấn Độ Vyomika Singh, bốn căn cứ không quân bị ảnh hưởng nhẹ về nhân lực và thiết bị.
“Pakistan đã có hành động khiêu khích và làm leo thang căng thẳng. Ấn Độ đã phản ứng một cách có trách nhiệm và kiềm chế”, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày.
Cuộc giao tranh ngày 10/5 được đánh giá là một trong những đợt đối đầu dữ dội nhất kể từ khi căng thẳng vũ trang giữa hai nước bùng phát vào ngày 7/5.
Dù cả hai bên đều tuyên bố mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, xung đột tiếp tục leo thang kể từ sau cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan hôm thứ Tư (7/5). Ấn Độ cáo buộc Pakistan dung túng cho các nhóm khủng bố bị cho là đã thực hiện vụ tấn công khiến nhiều du khách thiệt mạng hồi tháng trước tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Pakistan bác bỏ cáo buộc này.
Từ đó đến nay, cuộc khủng hoảng nhanh chóng phát triển thành một trong những cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia kể từ hơn 50 năm qua. Giao tranh ác liệt diễn ra dọc biên giới, trong khi các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa và các đòn đánh phủ đầu xảy ra sâu trong lãnh thổ mỗi nước.

Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan đã gây lo ngại sâu rộng trên toàn cầu, các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả hai bên, bao gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar và một số nước khác đang nỗ lực đưa ra các động thái ngoại giao nhằm xoa dịu khủng hoảng quân sự nghiêm trọng hiện nay.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc trao đổi với Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Asim Munir, vào ngày 8/5. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, ông Rubio “tiếp tục kêu gọi cả hai bên giảm căng thẳng” và khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ khởi động các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để tránh nguy cơ xung đột trong tương lai.
Trong khi đó, các ngoại trưởng thuộc Nhóm G7 cũng lên tiếng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế tối đa”, đồng thời cảnh báo rằng “mọi hành động leo thang quân sự hơn nữa đều có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của toàn khu vực”.
Bất chấp các nỗ lực quốc tế, bao gồm các phái đoàn đến Islamabad và New Delhi từ Ả Rập Xê Út, Iran và một số quốc gia khác, tình hình thực địa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phát biểu trên kênh truyền hình Geo News vào sáng ngày 10/5, Phó Thủ tướng Pakistan Ishaq Dar cho biết chính phủ của ông “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả”. Ông nhấn mạnh: “Đây là hành động có cân nhắc và tương xứng, là sự đáp trả cho những gì họ đã làm. Tình thế hiện nay kết thúc ra sao phụ thuộc vào Ấn Độ”.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện nay không có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng, người dân tại cả hai quốc gia đang sống trong tâm lý lo lắng về những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Ấn Độ và Pakistan, từng là một phần của thuộc địa Anh, trở thành hai quốc gia độc lập vào năm 1947. Kể từ đó, họ đã trải qua ba cuộc chiến tranh, trong đó tranh chấp về vùng Kashmir là tâm điểm trong mỗi lần xung đột. Cuộc chiến vào tháng 12 năm 1971 đã dẫn đến việc thiết lập Đường kiểm soát (LoC), chia cắt khu vực Kashmir thành hai phần do mỗi nước kiểm soát.
Tham khảo CNBC, Reuters, New York Times (NYT)
>> Siêu cường châu Á đột ngột đóng cửa 25 sân bay, điều gì đang xảy ra?