CNBC đưa tin, công ty The Exploration Company (TEC) đã huy động được 160 triệu USD nhằm phát triển tàu vũ trụ tái sử dụng, phục vụ việc vận chuyển phi hành gia và hàng hóa lên các trạm vũ trụ.
Dẫn đầu vòng gọi vốn lần này là các quỹ đầu tư mạo hiểm Balderton Capital và Plural. Ngoài ra, Chính phủ Pháp và Đức cũng tham gia hỗ trợ TEC thông qua French Tech Souveraineté và DeepTech & Climate Fonds nhằm thúc đẩy năng lực công nghệ vũ trụ ở châu Âu.
Sản phẩm chủ đạo của TEC là tàu vũ trụ Nyx – một viên nang có thể phóng từ tên lửa lên không gian, mang theo hành khách và hàng hóa. Tàu này có khả năng tái sử dụng, giúp giảm chi phí vận hành. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Nyx sẽ quay trở lại Trái Đất, sẵn sàng cho lần phóng tiếp theo.
Hélène Huby, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của TEC, chia sẻ với CNBC: “Thị trường này đang tăng trưởng hơn 10% mỗi năm bởi ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn đưa phi hành gia lên vũ trụ và thám hiểm Mặt Trăng”. Bà nhấn mạnh rằng: “Nhu cầu vận chuyển phi hành gia và hàng hóa lên các trạm vũ trụ đang ngày một lớn hơn”.
Hiện tại, thị trường này có ít đối thủ, trong đó đáng chú ý nhất là SpaceX với tàu Dragon, cùng một số công ty từ Trung Quốc và Nga. Bà Huby khẳng định: “Châu Âu cần tạo dựng năng lực riêng để sở hữu tàu vũ trụ của mình và cung cấp giải pháp thay thế cho thế giới. Chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào SpaceX“.
TEC đang phát triển phiên bản thứ hai của Nyx, dự kiến ra mắt năm 2025 và một phiên bản hoàn chỉnh vào năm 2028. Quá trình này được hỗ trợ tài chính một phần từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Bà Huby cho biết công ty đã ký các hợp đồng trị giá 800 triệu USD, bao gồm các thỏa thuận với Starlab – đơn vị đang thiết kế một trạm vũ trụ mới và Axiom Space.
Trong bối cảnh các dự án vũ trụ quy mô lớn như trạm không gian Gateway của NASA đang thu hút sự chú ý, Huby tin rằng TEC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa Trái Đất và không gian.
Bà nhấn mạnh TEC là nhân tố chủ chốt trong việc phát triển công nghệ cần thiết để đưa hàng hóa trở về Trái Đất.
Theo CNBC