Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc của “Mr. Pips” Phó Đức Nam, người bị cáo buộc đã xây dựng mạng lưới đa cấp phức tạp để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Với cam kết lợi nhuận hấp dẫn lên tới 1% mỗi ngày và các chiến thuật “đánh bóng” hình ảnh bản thân, Nam đã tạo dựng lòng tin, từ đó huy động hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống giao dịch ảo của mình.
Thực tế, mô hình này là một biến thể của Ponzi scheme (lừa đảo đa cấp tài chính). Nam không chỉ làm giả các giao dịch ngoại hối mà còn sử dụng tiền của những nhà đầu tư mới để chi trả lãi suất cho các nhà đầu tư cũ, nhằm duy trì vỏ bọc hợp pháp cho đến khi không thể tiếp tục chi trả.
Sự kiện này tương tự với nhiều chiêu trò tài chính khác đang xuất hiện trên mạng xã hội trên toàn thế giới. TikTok, YouTube và nhiều mạng xã hội tràn ngập các video với các hashtag như #wealth, #financialfreedom, và #millionaire thu hút hàng triệu lượt xem, trong đó một phần lớn thông tin được xác nhận là sai lệch hoặc thiếu cơ sở pháp lý.
Điển hình là tài khoản TikTok Business Women University, nơi Patricia Milan chia sẻ cách kiếm 150.000 USD thông qua việc sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng và tuyên bố sẽ trả nợ bằng thu nhập từ việc cho thuê phòng qua Airbnb – chiến lược mà các chuyên gia tài chính thực thụ sẽ khuyên bạn nên tránh xa. Một video khác chia sẻ lời khuyên về cách có được hạn mức thẻ tín dụng cao bằng cách tạo ra một loạt giao dịch vòng tròn trong các công ty của chính mình – điều này thực tế là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.
Một nghiên cứu gần đây từ nền tảng nghiên cứu cổ phiếu WallStreetZen cho thấy 63% các video liên quan đến cổ phiếu trên TikTok là sai lệch. Thậm chí, 95% trong số đó không có bất kỳ thông báo nào về các rủi ro đầu tư.
Chuyên gia Chris Whalen, một kế toán viên công chứng tại New Jersey, cảnh báo: “Nếu mọi người làm theo những lời khuyên này, thì sẽ không có ai để họ có thể đổ lỗi. Điều quan trọng là đừng tìm lời khuyên trên YouTube hay TikTok. Hãy trò chuyện với một người thực sự”.
Theo Whalen, lời khuyên về thuế chi tiết và chính xác “quá phức tạp để có thể diễn giải trong một video dài 60 giây”. Anh lo ngại về tác động của những người đưa ra lời khuyên tài chính mà không có chuyên môn thực sự, những người lại được đặt cạnh và trình bày như các chuyên gia thật sự.
Nhưng một thống kê khác cho thấy, 3 trong 4 người thuộc thế hệ Gen Z dựa vào các nền tảng như TikTok và YouTube để học về tài chính. Đây có thể là một vấn đề quy mô lớn.
TikTok đã từ chối bình luận chính thức về vấn đề này, họ chỉ ra dữ liệu cho thấy 91,6% video vi phạm các nguyên tắc cộng đồng về gian lận và lừa đảo đã bị xóa trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023.
Christine Kieffer từ FINRA chỉ ra rằng, việc đa phần mọi người ngần ngại khi tiết lộ về vấn đề tài chính của bản thân đã góp phần vào sự phổ biến của những video lời khuyên này. Các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để khơi gợi cảm xúc và kích thích phản ứng ngay lập tức, và điều này không phù hợp với việc ra quyết định tài chính.
Kieffer khuyên mọi người nên dừng lại trước khi làm theo lời khuyên trên mạng xã hội và kiểm tra các nguồn tài nguyên đã được xác minh. Và chắc chắn rằng khi nói đến tài chính, khác với những khía cạnh khác trong cuộc sống, châm ngôn “mạng xã hội có thể khuếch đại và phóng đại” chưa bao giờ đúng hơn thế.
Trở lại trường hợp của Mr Pips, nhân vật này có được lượng người theo dõi đông đảo cũng là nhờ những video về cuộc sống xa hoa, khoe khối tài sản khổng lồ, từ đó dễ dàng biến họ trở thành nạn nhân.
“Khi người ta thấy được nhà đẹp, xe sang sẽ truyền được sự tin tưởng cho người xem và người xem sẽ bị cuốn hút vào các hình ảnh này để họ có thể dễ dàng bị lôi kéo tham gia”, bị can Phó Đức Nam khai nhận.
Theo Fast Company