Politico đưa tin, ít nhất 2.145 nhân sự cấp cao tại NASA sắp rời cơ quan này theo kế hoạch cắt giảm biên chế của chính quyền Mỹ.
Những người rời đi chủ yếu thuộc nhóm từ GS-13 đến GS-15 – các cấp bậc cao trong hệ thống nhân sự liên bang, thường dành cho các chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý hoặc nhân sự giữ trọng trách vận hành. Trong số đó, có tới 875 người thuộc cấp GS-15, tức tầng lớp nhân sự cao nhất về chuyên môn và quản trị.

Tổng cộng, 2.694 viên chức NASA đã chấp nhận nghỉ hưu sớm, nhận trợ cấp thôi việc hoặc đăng ký từ nhiệm theo kế hoạch tái cấu trúc nhân sự của chính phủ. Trong đó, 2.145 người nói trên chiếm phần lớn.
Theo tài liệu, phần lớn nhân sự nghỉ việc đều làm việc trong các lĩnh vực cốt lõi của NASA, như khoa học vũ trụ và chương trình bay có người lái. Cụ thể, có 1.818 người thuộc nhóm nhiệm vụ chuyên môn, số còn lại đảm nhiệm các vai trò hỗ trợ như CNTT, tài chính hay quản lý cơ sở vật chất.
“NASA đang mất đi lớp chuyên gia kỹ thuật và nhà quản lý chủ lực”, ông Casey Dreier, Giám đốc chính sách không gian tại The Planetary Society cảnh báo. “Vấn đề là: chiến lược ở đây là gì, và chúng ta kỳ vọng đạt được điều gì từ việc này?”
Cắt giảm lớn chưa từng có kể từ thập niên 1960
Làn sóng ra đi diễn ra ngay sau khi Nhà Trắng đề xuất cắt giảm ngân sách NASA năm 2026 tới 25% và giảm hơn 5.000 nhân sự, nếu được Quốc hội thông qua. Nếu thành hiện thực, NASA sẽ phải hoạt động với quy mô nhỏ nhất kể từ thời kỳ đầu những năm 1960.
Việc cắt giảm được thực hiện trên cả 10 trung tâm khu vực của NASA – nơi trực tiếp đảm nhận các nhiệm vụ như điều phối chuyến bay lên Mặt trăng hay triển khai tàu thăm dò không gian sâu.
Trung tâm Goddard (Maryland) dự kiến mất 607 người – nhiều nhất trong hệ thống;
Trung tâm Johnson (Texas) mất 366 người – nơi điều hành chương trình bay có người lái;
Trung tâm Kennedy (Florida) mất 311 người – địa điểm phóng chính của NASA;
Trụ sở chính ở Washington D.C. mất 307 người.
Ngoài ra, Langley (Virginia) mất 281 người, Marshall (Alabama) mất 279 và Glenn (Ohio) mất 191.
Nguy cơ ảnh hưởng đến sứ mệnh Mặt trăng và sao Hỏa
Tuy một số trung tâm như Goddard vốn nằm trong kế hoạch cắt giảm của chính quyền, tốc độ nghỉ việc thực tế ở các trung tâm khác cho thấy có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2027 và sau đó là sao Hỏa. Đây là các sứ mệnh đòi hỏi trình độ kỹ thuật cực cao và hiện vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn tất.
Ví dụ, tại Johnson – nơi điều hành chương trình bay có người lái – số nhân sự nghỉ việc gần bằng toàn bộ kế hoạch cắt giảm của Nhà Trắng. Tại Kennedy, số người nghỉ việc cũng đã đạt hơn 60% mục tiêu cắt giảm.
“Nhiệm vụ của NASA vẫn không thay đổi, dù phải vận hành trong một ngân sách ưu tiên hơn,” phát ngôn viên Bethany Stevens cho biết. “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền để đảm bảo Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong khám phá vũ trụ, bao gồm cả các mục tiêu như Mặt trăng và sao Hỏa.”
Khoảng trống lãnh đạo, chảy máu chất xám và lo ngại từ bên trong
Ngay cả những bộ phận nhỏ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Văn phòng quan hệ lập pháp của NASA – nơi kết nối và giải trình với Quốc hội – mất 5 người trên tổng số khoảng 35, tức gần 15% lực lượng, theo một cựu nhân viên.

Một nhân viên NASA khác – cũng trong danh sách nghỉ việc – cho biết quyết định rời cơ quan này xuất phát từ lo ngại về cắt giảm ngân sách và việc chưa có lãnh đạo NASA được Thượng viện phê chuẩn. “Tôi cảm giác mọi thứ sẽ tệ hơn. Sự ra đi hàng loạt này sẽ tạo ra khoảng trống lãnh đạo đáng kể trong tương lai”.
Tính đến nay, 2.694 viên chức NASA đã rời đi, mới chỉ bằng một nửa so với mục tiêu cắt giảm của Nhà Trắng. Nếu chương trình nghỉ việc tự nguyện không đạt chỉ tiêu trước hạn chót 25/7, nhiều khả năng chính quyền sẽ thực hiện cắt giảm bắt buộc.
Ngay cả khi Quốc hội từ chối kế hoạch cắt giảm, NASA cũng khó thu hút lại lực lượng đã mất. Nhân sự giàu kinh nghiệm của cơ quan này dễ dàng được tuyển dụng bởi các công ty không gian tư nhân đang phát triển mạnh – nơi mức lương hấp dẫn hơn – hoặc các ngành liên quan như robotics và tự động hóa.
Một nhân viên NASA đã xin nghỉ theo diện hoãn từ nhiệm nhận định: “Sẽ có một khoảng trống rõ rệt trong thế hệ kế nhiệm”.
Theo Politico