spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếHơn 40.000 trường mầm non đóng cửa: Chuyện gì đang xảy ra...

Hơn 40.000 trường mầm non đóng cửa: Chuyện gì đang xảy ra với quốc gia đông dân thứ 2 thế giới?

Chỉ trong 4 năm, hệ thống giáo dục mầm non Trung Quốc đã chứng kiến một cuộc “co rút” chưa từng có tiền lệ.

Từ năm 2020 đến 2024, quốc gia này mất đi 12 triệu trẻ mẫu giáo và hơn 41.500 trường mầm non buộc phải đóng cửa – tương đương gần 25% tổng số cơ sở toàn quốc.

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số trẻ đăng ký mẫu giáo đã giảm từ 48 triệu xuống chỉ còn khoảng 36 triệu trong vòng 4 năm. Số lượng nhà trẻ phục vụ nhóm tuổi 3–5 cũng giảm mạnh, từ gần 295.000 trường năm 2021 xuống còn 253.500 trường.

Hơn 40.000 trường mầm non đóng cửa: Chuyện gì đang xảy ra với quốc gia đông dân thứ 2 thế giới? - ảnh 1
Trung Quốc ghi nhận 3 năm liên tiếp dân số giảm tính đến 2024

Sự thay đổi không chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ làn sóng di cư, mà còn hiện hữu ở cả các trung tâm tăng trưởng kinh tế như Quảng Đông, Chiết Giang và Thượng Hải – những khu vực từng dẫn đầu về tốc độ sinh và đầu tư giáo dục.

Từ chỗ từng là biểu tượng của tuổi thơ, trường học giờ đây đang trở thành nơi dành cho… người già.

Đó là câu chuyện của cô giáo Zhuang Yanfang tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang – người từng điều hành ba trường mẫu giáo tư nhân. Một trong số đó đã được bà chuyển đổi thành viện dưỡng lão với chỉ 16 giường. Hai cơ sở còn lại dù cố gắng mở dịch vụ giữ trẻ từ 10 tháng tuổi cũng chỉ thu hút được khoảng 150 trẻ, chưa bằng 1/7 so với thời kỳ đỉnh cao.

Theo bà Zhuang, khoảng 90% trường mẫu giáo tư nhân trong khu vực đã phải đóng cửa. Và con số đó có thể sẽ tiếp tục tăng.

Nguyên nhân không nằm ở chất lượng giáo dục hay năng lực quản lý, mà xuất phát từ một vấn đề lớn hơn nhiều: sự suy giảm dân số.

Trung Quốc đã trải qua 3 năm liên tiếp giảm dân số (2022–2024), với số ca sinh từ 17,9 triệu năm 2017 rơi xuống chỉ còn 9,3 triệu vào năm 2024 – gần như giảm một nửa. Dù chính phủ đã dỡ bỏ chính sách “một con” vào năm 2016 và sau đó khuyến khích sinh ba con từ 2021, những nỗ lực này không thể đảo chiều xu hướng.

Giới trẻ Trung Quốc ngày nay kết hôn muộn, sinh ít hoặc không sinh. Chi phí nuôi con cao, nhà ở đắt đỏ, áp lực học hành khốc liệt, cùng một xã hội ngày càng đề cao lối sống cá nhân là những rào cản lớn.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người có trình độ đại học hoặc sau đại học có tỷ lệ sinh con thứ hai thấp hơn đáng kể, và nhiều người không muốn sinh con dù hoàn toàn có khả năng kinh tế.

Hơn 40.000 trường mầm non đóng cửa: Chuyện gì đang xảy ra với quốc gia đông dân thứ 2 thế giới? - ảnh 2
Sự suy giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã khiến số lượng trẻ mẫu giáo giảm đi 1/4

Sự sụt giảm dân số không chỉ ảnh hưởng đến giáo dục, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy trong trung và dài hạn. Trước mắt, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng khi quy mô lực lượng trẻ tuổi ngày càng thu hẹp.

Với vai trò là công xưởng toàn cầu, nền kinh tế nước này sẽ gặp thách thức lớn về năng suất và tăng trưởng. Xa hơn, hệ thống hưu trí cũng sẽ bị đặt dưới áp lực khổng lồ, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh nhưng số người lao động đóng góp lại giảm mạnh.

Theo dự báo, đến năm 2035, hơn 30% dân số Trung Quốc có thể trên 60 tuổi. Câu hỏi đặt ra là: ai sẽ gánh vác chi phí chăm sóc và an sinh xã hội cho lực lượng dân số già này?

Khủng hoảng dân số còn kéo theo tác động dây chuyền đến tiêu dùng nội địa – vốn được coi là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Khi thế hệ trẻ ngày càng ít, sức mua và nhu cầu dịch vụ trong nước sẽ suy giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và thị trường việc làm.

Tuy nhiên, giữa khủng hoảng, một số chuyên gia lại nhìn thấy cơ hội cải cách. Giáo sư Stuart Gietel-Basten – Giám đốc Trung tâm Khoa học Lão hóa tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong – cho rằng, sự thu hẹp số lượng học sinh có thể giúp chính phủ tái phân bổ nguồn lực, từ đó nâng cao chất lượng toàn diện cho hệ thống giáo dục.

Thay vì duy trì một mạng lưới trường học đồ sộ, Bắc Kinh có thể tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất cho trẻ sơ sinh, cải thiện hệ thống đại học, hoặc cải tổ kỳ thi đại học quốc gia Gaokao – vốn nổi tiếng áp lực và bất công.

Ngoài ra, những cơ sở giáo dục bị bỏ trống cũng có thể chuyển đổi công năng thành trung tâm dịch vụ cộng đồng hoặc viện dưỡng lão, như mô hình mà bà Zhuang đang thử nghiệm.

Dù vậy, bà thừa nhận rằng việc vận hành trung tâm người cao tuổi không hề dễ dàng.

Cơ sở mới của bà hiện chỉ chăm sóc cho 16 người cao tuổi nội trú. Tuy vậy, ngoài chỗ ở, nơi đây còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng như phòng ăn và các hoạt động xã hội cho khoảng 200 người hưu trí sống quanh khu vực.

Bà cho biết, phần lớn người cao tuổi vẫn thích sống cùng con cháu và chỉ chọn vào viện dưỡng lão như một giải pháp cuối cùng, “đặc biệt là khi họ còn khỏe mạnh”.

“Chúng tôi đang tìm cách vượt qua vài năm sắp tới”, bà Zhuang nói. “Một số người thì chọn cách đóng cửa hoàn toàn… nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có thể duy trì hoạt động, vì tình cảm với những năm tháng cũ”.

Theo FT

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật