Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa một lần nữa bày tỏ tham vọng mua lại Greenland, hòn đảo rộng hơn 2 triệu km2 – gấp ba lần bang Texas, hiện thuộc quyền kiểm soát của Đan Mạch.
Động thái này được đưa ra trong thông báo bổ nhiệm nhà đồng sáng lập PayPal Kenneth Howery làm tân Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch. “Vì mục đích An ninh Quốc gia và Tự do toàn cầu, Mỹ cần nắm quyền sở hữu và kiểm soát Greenland”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social cuối tuần qua.
Greenland hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, với dân số khoảng 57.000 người. Mặc dù nằm ở Bắc Mỹ, đảo này về mặt chính trị thuộc châu Âu và đã thuộc về Đan Mạch hơn 200 năm qua. Copenhagen vẫn nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của hòn đảo.
Đáp lại tuyên bố của ông Trump, Thủ hiến Greenland Múte Egede khẳng định: “Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán”. Đây không phải lần đầu ông Trump bày tỏ ý định mua Greenland. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông đã từng yêu cầu các trợ lý nghiên cứu khả năng này nhưng bị cả Greenland và Đan Mạch bác bỏ.
Vì sao ông Trump muốn nước Mỹ kiểm soát Greenland?
Tham vọng sở hữu Greenland của ông Trump không chỉ đơn thuần là một thương vụ bất động sản. Hòn đảo này có vai trò chiến lược quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ, nơi đặt Căn cứ Không gian Pituffik – một cứ điểm then chốt cho hoạt động phòng thủ tên lửa và giám sát không gian của Lực lượng Không gian Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Với diện tích 2,1 triệu km2, Greenland còn là kho báu về tài nguyên thiên nhiên. Ngoài trữ lượng dầu mỏ, hòn đảo này giàu khoáng chất đất hiếm như neodymium và dysprosi – những nguyên tố hiện chủ yếu do Trung Quốc và Nga kiểm soát, theo Hội Hóa học Hoàng gia.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton từng ủng hộ ý định mua Greenland của Trump. Trong bài xã luận đăng trên New York Times năm 2019, ông Cotton cảnh báo về động thái của Trung Quốc nhằm mua lại căn cứ hải quân cũ của Mỹ tại đây vào năm 2016, cùng nhiều nỗ lực xây dựng sân bay trên hòn đảo này.
Ai sở hữu Greenland?
Greenland là một phần của Vương quốc Đan Mạch, quốc gia cũng quản lý quần đảo Faroe ở phía bắc Đại Tây Dương như một lãnh thổ tự trị. Từ đầu thế kỷ 18, Đan Mạch đã cai trị Greenland, cho đến năm 1979 khi hòn đảo này đạt được quyền tự quản đối với các vấn đề nội bộ, theo thông tin từ trang web chính phủ Đan Mạch.
Với Đạo luật Tự quản được thông qua vào năm 2009, Greenland mở rộng thêm quyền tự trị, nhưng các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại vẫn thuộc thẩm quyền của Đan Mạch. “Người dân Greenland có quyền tự quyết của họ,” Martin Lidegaard, cựu bộ trưởng ngoại giao Đan Mạch và chủ tịch ủy ban chính sách đối ngoại Quốc hội Đan Mạch, phát biểu với The Washington Post vào năm 2019.
Hiện nay, người dân Greenland là công dân Đan Mạch, có hai đại diện tại Quốc hội Đan Mạch. Phần lớn dân số Greenland là người bản địa Inuit.
Greenland có được rao bán không?
Greenland không phải để bán, và cả các quan chức Greenland lẫn Đan Mạch đều không gợi ý bất kỳ khả năng nào liên quan đến việc rao bán hòn đảo.
Tuy nhiên, Mỹ đã từng nhiều lần muốn ngỏ lời mua lại hòn đảo với vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên dồi dào này. Vào những năm 1860, dưới thời Tổng thống Andrew Johnson, chính phủ Mỹ đã ủy quyền lập một báo cáo đánh giá tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của Greenland, nhưng ý tưởng này không được triển khai.
Sau Thế chiến II, Tổng thống Harry S. Truman đã đưa ra lời đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD, nhưng không thành công.
Mở rộng lãnh thổ qua việc mua đất không phải là điều mới lạ trong lịch sử Mỹ. Năm 1803, Mỹ đã mua Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD, một thương vụ mang tên Louisiana Purchase, và năm 1867, mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD. Mặc dù ban đầu, ý tưởng này bị chế giễu là “Sự điên rồ của cựu Ngoại trưởng William Seward”, thương vụ Alaska sau đó được coi là thành công nhờ việc phát hiện các mỏ vàng.
Phải tốn bao nhiêu tiền để mua Greenland?
Theo phân tích của Washington Post năm 2019, có nhiều cách để định giá Greenland. Nếu tham chiếu thương vụ Mỹ mua Alaska từ Nga, Greenland có thể được định giá khoảng 200 triệu USD. Nếu dựa theo đề xuất mua đảo với giá 100 triệu USD của cựu Tổng thống Truman năm 1946, giá trị quy đổi năm 2019 sẽ là 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với GDP của Greenland năm 2019 – khoảng 3 tỷ USD theo số liệu của Macrotrends.
Washington Post đưa ra một phương pháp định giá táo bạo hơn bằng cách xem Greenland như một công ty trong chỉ số S&P 500. Với giả định thu nhập hàng năm khoảng 2 tỷ USD (GDP trừ trợ cấp từ Đan Mạch) và áp dụng hệ số P/E của Amazon năm 2016 (847 lần), hòn đảo này có thể trị giá tới 1.700 tỷ USD.
Lý giải việc sử dụng P/E của gã khổng lồ thương mại điện tử, tờ báo – vốn thuộc sở hữu của Jeff Bezos – cho rằng hệ số này phản ánh kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư vào Amazon, tương tự như kỳ vọng của Mỹ về tiềm năng tài nguyên và vị trí chiến lược của Greenland.
Con số 1.700 tỷ USD tuy lớn nhưng vẫn nằm trong khả năng chi trả của Mỹ, xét theo quy mô gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD được Quốc hội thông qua trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mọi con số đều mang tính giả thuyết, bởi cả Đan Mạch lẫn chính quyền tự trị của hòn đảo này đều khẳng định “Greenland không phải để bán”.
Washington Post (WP)