Đập Grand Coulee, nằm trên dòng sông Columbia thuộc bang Washington (Mỹ), là một trong những công trình thủy điện lớn nhất thế giới cả về quy mô xây dựng lẫn vai trò đa chức năng trong phát triển kinh tế – xã hội khu vực.
Công trình được khởi công từ năm 1933 và chính thức hoàn thành vào năm 1942. Grand Coulee sở hữu những thông số kỹ thuật ấn tượng: Chiều cao 168m, chiều dài thân đập gần 1.600m và hồ chứa có dung tích lên đến khoảng 11,8 tỷ m3 nước – gấp khoảng 1,2 lần so với hồ Thủy điện Hòa Bình của Việt Nam (9,45 tỷ m3 nước).
Quá trình xây dựng đòi hỏi nguồn nhân lực và vật liệu khổng lồ: Khoảng 11.000 công nhân đã tham gia thi công trong suốt 9 năm, đổ tổng cộng 12 triệu m3 bê tông – một khối lượng kỷ lục vào thời điểm đó.

Nếu tính theo tỷ giá hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng ước đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tương đương khoảng 143.000 tỷ đồng. Để xử lý hiện tượng tăng nhiệt độ bên trong các khối bê tông lớn (dẫn đến nguy cơ nứt vỡ), kỹ sư Mỹ đã lắp đặt hệ thống làm mát bằng nước ngay bên trong kết cấu công trình – một bước đột phá về kỹ thuật thời bấy giờ.
Hiện nay, Grand Coulee vận hành ba nhà máy thủy điện chính: Left Powerhouse và Right Powerhouse – mỗi nhà máy gồm 9 tổ máy phát điện, cùng với Third Powerplant gồm 12 tổ máy được mở rộng trong thập niên 1970.
Tổng công suất lắp đặt đạt khoảng 6.809 MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hằng năm lên tới 2.300 MW. Đây là một trong những nguồn năng lượng trọng yếu của khu vực Tây Bắc nước Mỹ, phục vụ hàng triệu hộ gia đình và cơ sở công nghiệp.
Ngoài chức năng sản xuất điện, Grand Coulee còn đóng vai trò then chốt trong quản lý tài nguyên nước. Hệ thống hồ chứa của đập giúp điều tiết dòng chảy sông Columbia, hỗ trợ kiểm soát lũ lụt vào mùa mưa và bảo đảm dòng nước ổn định vào mùa khô, từ đó giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các vùng hạ lưu.
Từ cung cấp điện năng, kiểm soát lũ lụt, đến tưới tiêu cho nông nghiệp, đập Grand Coulee đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nước Mỹ.