Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu, Ryanair, vừa đưa ra cảnh báo sẽ hủy đơn đặt hàng hàng trăm máy bay Boeing 737 MAX nếu chính quyền Mỹ tiến hành áp thuế khiến giá máy bay xuất khẩu sang châu Âu tăng đáng kể. Hãng cũng tuyên bố có thể cân nhắc các nhà cung cấp thay thế, bao gồm COMAC – nhà sản xuất máy bay của Trung Quốc.

Đây là động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay của Ryanair – một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing – trong bối cảnh ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đối mặt với nguy cơ tái cấu trúc nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không miễn trừ thuế cho lĩnh vực này.
Trong thư gửi một nghị sĩ cấp cao của Mỹ, Giám đốc điều hành Ryanair, ông Michael O’Leary, cảnh báo mức thuế mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng 330 chiếc Boeing 737 MAX mà hãng đang đặt mua, với tổng giá trị theo niêm yết vượt 30 tỷ USD.
“Nếu chính phủ Mỹ tiếp tục kế hoạch áp thuế sai lầm này và điều đó khiến giá xuất khẩu máy bay Boeing sang châu Âu tăng mạnh, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét lại các đơn hàng hiện tại cũng như khả năng chuyển sang nhà cung cấp khác,” ông O’Leary viết.
Bức thư là phản hồi của Ryanair sau khi Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi (Đảng Dân chủ, bang Illinois) bày tỏ lo ngại về rủi ro an ninh nếu hãng thực sự cân nhắc mua máy bay từ COMAC.
Căng thẳng leo thang
Lời đe dọa hủy đơn hàng đánh dấu bước leo thang rõ rệt so với tuyên bố hồi tháng 4 của O’Leary, khi ông chỉ mới đề cập đến khả năng trì hoãn nhận máy bay. Trước đó, ông cho biết các lãnh đạo Boeing từng tin rằng máy bay sẽ được miễn trừ khỏi chính sách thuế mới của chính quyền Trump.
Theo các nguồn tin trong ngành, hợp đồng mua máy bay giữa các hãng hàng không với Boeing hoặc Airbus từ lâu không bao gồm điều khoản về thuế quan, bởi ngành hàng không toàn cầu vốn hoạt động trong môi trường phi thuế trong nhiều thập kỷ. Thuế chỉ phát sinh sau khi quyền sở hữu máy bay được chuyển giao.
Tuy nhiên, trước rủi ro căng thẳng thương mại kéo dài, nhiều công ty hàng không và sản xuất đang xem xét lại điều khoản trong các hợp đồng tương lai.
Một số chuyên gia nhận định tuyên bố của ông O’Leary có thể mang tính chiến lược, nhằm tạo lợi thế trong quá trình đàm phán hậu trường với Boeing.
Tuy nhiên, ông O’Leary thừa nhận Ryanair chưa có cuộc thảo luận nào với COMAC từ năm 2011, song vẫn để ngỏ khả năng nếu giá máy bay của hãng Trung Quốc rẻ hơn Airbus khoảng 10-20%.
Tuy nhiên, COMAC hiện chưa được cấp chứng nhận tại châu Âu, trong khi Airbus – đối thủ duy nhất của Boeing ở phân khúc máy bay một lối đi – đã kín đơn hàng đến hết thập kỷ. Ngoài ra, không một hãng hàng không phương Tây nào từng mua máy bay của COMAC.
Mẫu C919 của COMAC có sức chứa khoảng 150-190 ghế, nhỏ hơn đáng kể so với dòng MAX 10 của Boeing mà Ryanair đang đặt mua, vốn có thể chở tới 230 hành khách.
Cảnh báo của Ryanair được đưa ra trong bối cảnh Boeing đang tìm cách bán lại nhiều chiếc máy bay vốn bị mắc kẹt tại Trung Quốc vì tranh chấp thương mại, giữa lúc Tổng thống Trump tiếp tục gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng việc hủy bỏ hợp đồng mua máy bay là điều rất hiếm, bởi nguồn cung hạn chế và nguy cơ bị “đẩy xuống hàng chờ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tăng trưởng của các hãng hàng không.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất máy bay thường phản đối yêu cầu hủy hợp đồng, viện dẫn các lý do khách quan như gián đoạn chuỗi cung ứng – điều từng được đưa ra tại các phiên tòa trước đây.
Theo Reuters