spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếKhiến cả thế giới như đang 'ngồi trên đống lửa', ông Trump...

Khiến cả thế giới như đang ‘ngồi trên đống lửa’, ông Trump muốn gì khi đe dọa đánh thuế mọi quốc gia?

“Ngày giải phóng” của Tổng thống Donald Trump đã đến.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã khiến các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu hoang mang về kế hoạch áp thuế của ông, xoay quanh khái niệm “thuế đối ứng” (reciprocal tariffs). Ông đã hứa sẽ giải đáp ít nhất một phần những thắc mắc đó vào ngày 2/4.

Tuy nhiên, ngày 2/4 có lẽ sẽ không mang lại sự chắc chắn mà các doanh nghiệp mong đợi kể từ sau chiến thắng của Trump vào tháng 11. Ngược lại, nó có thể châm ngòi cho một làn sóng trả đũa từ các quốc gia khác bằng những biện pháp đáp trả nhằm vào hàng hóa Mỹ, mở ra một giai đoạn đàm phán mới có thể làm leo thang cuộc chiến thương mại vốn đã căng thẳng.

Khiến cả thế giới như đang 'ngồi trên đống lửa', ông Trump muốn gì đe dọa đánh thuế mọi quốc gia? - ảnh 1
Xe tải chở hàng hướng về Hoa Kỳ tại Tijuana, tiểu bang Baja California, Mexico

Dù ông Trump tuyên bố với các phóng viên vào tối thứ Hai rằng ông đã “quyết định” về kế hoạch áp thuế, CNN đưa tin rằng các cố vấn Nhà Trắng vẫn tiếp tục trình bày các phương án cho ông vào thứ Ba, chỉ vài giờ trước thời hạn tự đặt ra.

Ông Trump muốn gì khi áp dụng thuế đối ứng?

Các phương án đang được xem xét bao gồm: điều chỉnh thuế quan theo từng đối tác thương mại của Mỹ, áp thuế lên một số quốc gia nhưng miễn trừ các quốc gia khác, hoặc áp một mức thuế cố định lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Một quan chức Nhà Trắng nói với CNN rằng họ không nghĩ Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho đến sát giờ công bố vào 4 giờ chiều (theo giờ Mỹ) tại Rose Garden, Nhà Trắng.

Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, các biện pháp thuế quan mà Trump công bố sẽ có “hiệu lực ngay lập tức”. Điều này đặt ra những thách thức về mặt thực thi, nhưng nếu đúng, các quốc gia khác sẽ không có nhiều thời gian để đàm phán và có thể ngay lập tức đáp trả bằng các biện pháp như áp thuế trả đũa.

Ông Trump coi thuế quan là công cụ để đạt được 4 mục tiêu chính: ngăn chặn dòng chảy fentanyl và tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ, tạo sân chơi công bằng với các đối tác thương mại, tăng nguồn thu cho chính phủ và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ông đã liên kết các vấn đề liên quan đến fentanyl và biên giới với mức thuế 20% mà Mỹ đã áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 25% mà ông đe dọa áp lên hàng hóa từ Canada và Mexico.

Ông Trump cho rằng Mỹ đang bị các quốc gia khác “bóc lột” do mức thuế cao hơn mà họ áp lên hàng hóa Mỹ hoặc do Mỹ bị thâm hụt thương mại – tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Vì vậy, ông theo đuổi chính sách “thuế đối ứng”, có thể bao gồm cả các rào cản thương mại phi thuế quan như thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST).

Những chính sách này có thể ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi khác. Theo phân tích của Morgan Stanley, các quốc gia này có sự chênh lệch thuế suất đáng kể giữa hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước họ và hàng hóa của họ xuất khẩu sang Mỹ.

Báo cáo của Morgan Stanley cho thấy Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là những nước có tỷ lệ sản phẩm bị áp thuế cao hơn 5% so với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa của họ.

Nhưng ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng có VAT và DST, khiến khối này trở thành mục tiêu tiềm tàng cho thuế quan mới của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm thứ Ba tuyên bố EU có “một kế hoạch mạnh mẽ” để đáp trả Mỹ. Ngoài EU, các quốc gia khác như Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch trả đũa.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ “phản công” nếu Mỹ tiếp tục “tống tiền”. Ông tuyên bố trên truyền hình nhà nước CCTV, “‘Nước Mỹ trên hết’ không nên đồng nghĩa với việc Mỹ bắt nạt các nước khác và không thể đặt lợi ích của mình trên sự tổn hại của các quốc gia khác”.

Israel lại có cách tiếp cận khác: nước này tuyên bố hôm thứ Ba rằng sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, trở thành quốc gia đầu tiên làm vậy kể từ khi ông Trump tái đắc cử. Động thái này có thể nhằm tránh bị ông Trump chú ý, dù Israel vốn không áp nhiều thuế lên hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia đi theo hướng của Israel cũng có thể không tránh được tác động từ chính sách thuế của Trump. Hiện tại, Mỹ đã áp thuế 25% lên toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, cùng với mức thuế 25% đối với ô tô nước ngoài, có hiệu lực từ thứ Năm. Đến đầu tháng Năm, Mỹ cũng sẽ áp thuế 25% lên linh kiện ô tô nhập khẩu.

Khiến cả thế giới như đang 'ngồi trên đống lửa', ông Trump muốn gì đe dọa đánh thuế mọi quốc gia? - ảnh 2
Ngày 2/4, mức thuế 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực ngoài thuế đối ứng

Ngoài ra, nếu một quốc gia bị đánh thuế riêng lẻ, mức thuế tổng cộng có thể còn cao hơn. Ví dụ, nếu Mỹ áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, thì ô tô, thép và nhôm từ nước này sẽ bị đánh thuế tổng cộng 35%. Không dừng lại ở đó, Trump có thể công bố thêm thuế quan đối với các ngành khác vào thứ Tư.

Trump đã quảng bá thuế quan như một cách giúp chính phủ Mỹ giảm sự phụ thuộc vào thuế thu nhập. Thậm chí, ông còn tuyên bố rằng doanh thu từ thuế quan có thể thay thế hoàn toàn thuế thu nhập.

Nỗi lo suy thoái kinh tế

Các mức thuế hiện tại cùng với sự không chắc chắn về những chính sách sắp tới của Trump đã khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm trong thời điểm nhạy cảm, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính.

Chính sách áp thuế diện rộng có thể khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, thị trường tài chính sụt giảm mạnh và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về tác động của các biện pháp thuế quan. Theo một báo cáo của Goldman Sachs tuần trước, dù các chính sách tài khóa của Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng khó có thể bù đắp được tổn thất từ kế hoạch thuế quan khổng lồ của ông.

Tuy nhiên, Trump và các cố vấn của ông đã nhiều lần bác bỏ ý kiến cho rằng kế hoạch này có thể gây tác dụng ngược. Leavitt khẳng định hôm thứ Ba rằng các chính sách cắt giảm thuế và gỡ bỏ quy định của Trump sẽ giúp giảm lạm phát, có thể bù đắp tác động tiêu cực của thuế quan.

“Kế hoạch này sẽ hiệu quả”, Leavitt tuyên bố.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật