spot_img
21.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếKhông cần bình xịt hay vợt, giới khoa học Anh chế tạo...

Không cần bình xịt hay vợt, giới khoa học Anh chế tạo loại ‘thuốc độc’ biến máu người thành vũ khí diệt muỗi ngay lập tức

Nghiên cứu cho thấy nitisinone – một loại thuốc điều trị rối loạn di truyền – có thể khiến muỗi chết ngay sau khi hút máu người chứa thuốc. Dù vẫn cần nghiên cứu thêm, đây được xem là một giải pháp tiềm năng giúp kiểm soát dịch bệnh mà không gây hại cho hệ sinh thái.

Giới khoa học mới đây đã khám phá một phương pháp đột phá để kiểm soát số lượng muỗi và ngăn chặn bệnh sốt rét: biến máu con người thành chất độc khiến muỗi chết ngay sau khi đốt.

Nghiên cứu do các chuyên gia tại trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh) thực hiện phát hiện ra rằng thuốc nitisinone có thể tiêu diệt muỗi chỉ với một lượng rất nhỏ trong máu người.

Thử nghiệm trên những con muỗi hút máu từ 3 bệnh nhân sử dụng nitisinone để điều trị rối loạn di truyền cho thấy chúng chết trong vòng 12 giờ. Kết quả này được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào ngày 26/3.

Nitisinone vốn được cấp phép điều trị một số bệnh di truyền hiếm gặp, hoạt động bằng cách ức chế sản xuất một loại protein, qua đó làm giảm các chất độc hại gây bệnh trong cơ thể người. Khi muỗi hút máu chứa thuốc, quá trình trao đổi chất của chúng bị phá vỡ, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Không cần bình xịt hay vợt, giới khoa học Anh chế tạo loại ‘thuốc độc’ biến máu người thành vũ khí diệt muỗi ngay lập tức - ảnh 1
Các nhà khoa học đề xuất đưa vào máu người loại thuốc độc với muỗi khiến chúng chết nhanh chóng sau khi đốt. Ảnh: ARMY.AZ

Theo nhà vi sinh vật học Lee R. Haines từ trường Y học Nhiệt đới Liverpool, việc biến máu người và động vật thành độc dược với côn trùng hút máu có thể trở thành một công cụ đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm như sốt rét.

Phương pháp này hiện mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng kết quả ban đầu cho thấy nitisinone có thể tiêu diệt muỗi ở mọi độ tuổi, đặc biệt là người già – nhóm có nguy cơ cao mang mầm bệnh sốt rét.

Một ưu điểm khác là nitisinone dường như không ảnh hưởng đến các loài côn trùng thụ phấn quan trọng trong hệ sinh thái.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm để đánh giá tác động lâu dài của nó. Một thách thức khác là nguy cơ muỗi phát triển khả năng kháng thuốc, tương tự như tình trạng kháng thuốc trừ sâu hiện nay.

Ý tưởng sử dụng thuốc kháng ký sinh trùng để tiêu diệt muỗi không phải mới. Trước đây, ivermectin đã được nghiên cứu như một công cụ tiềm năng khi được đưa vào cơ thể người hoặc bò.

Tuy nhiên, nitisinone tỏ ra vượt trội hơn khi giết chết muỗi trong vòng một ngày, nhanh hơn ivermectin. Bên cạnh đó, nitisinone cũng lưu lại trong máu người lâu hơn, tăng khả năng muỗi tiếp xúc với thuốc.

Nhà ký sinh trùng Álvaro Acosta Serrano cho biết loại thuốc này không tác động đến hệ thần kinh nên ít độc hại hơn ivermectin, đồng thời không tiêu diệt các côn trùng có lợi khác.

Dù còn nhiều thách thức, phương pháp biến máu thành vũ khí diệt muỗi mở ra hy vọng mới trong cuộc chiến chống sốt rét, giúp bổ sung các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà không gây hại cho con người hay động vật hoang dã.

Theo Science Alert

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật