spot_img
25.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếKhông kịp mặc áo phao, không có cảnh báo: Thảm kịch chìm...

Không kịp mặc áo phao, không có cảnh báo: Thảm kịch chìm phà khiến 35 người thiệt mạng ở Đông Nam Á

Các nhà phân tích nhận định điều kiện thời tiết biến động bất thường đang là yếu tố chính khiến số vụ tai nạn gia tăng.

Tối 2/7, trong lúc mây đen kéo đến và sóng biển nổi cuộn, chiếc phà Tunu Pratama Jaya rời bến Banyuwangi, phía đông đảo Java (Indonesia), hướng về cảng Gilimanuk ở Bali. Theo dự kiến, chuyến vượt biển dài 4,5km này chỉ mất khoảng 45 phút – một hành trình ngắn, quen thuộc và dù có phần chao đảo, vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhưng chưa đi được nửa đường, con tàu bất ngờ hứng chịu những đợt sóng lớn ập tới, lắc dữ dội rồi chìm chỉ trong vòng 3 phút, theo lời kể của nhân chứng sống sót.

Không kịp mặc áo phao, không có cảnh báo: Thảm kịch chìm phà khiến 35 người thiệt mạng ở Đông Nam Á - ảnh 1
Lực lượng cứu hộ trên thuyền khởi hành để tìm kiếm các nạn nhân của vụ lật phà ở Jembrana, Bali, Indonesia

“Sóng cao lắm. Nước tràn vào. Các xe trong khoang cứ bị dồn sang hai bên. Rồi một con sóng đánh mạnh làm chết máy. Ba phút sau là tàu chìm. Mọi thứ xảy ra quá nhanh”, hành khách Syamsul Hidayat kể lại trong một video lan truyền mạnh mẽ trên Tiktok.

Trong số 65 người trên tàu, nhiều người không kịp mặc áo phao hay leo lên bè cứu sinh. Ngay cả những người làm được điều đó, như Syamsul, cũng phải lênh đênh giữa eo biển Bali suốt hơn 5 tiếng đồng hồ, bị sóng đánh dồn dập cho đến khi được cứu hộ.

Không kịp mặc áo phao, không có cảnh báo: Thảm kịch chìm phà khiến 35 người thiệt mạng ở Đông Nam Á - ảnh 2
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (BASARNAS), lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân sau vụ tai nạn

Tính đến tối ngày 10/7, lực lượng cứu nạn đã vớt được 15 thi thể từ vùng biển lạnh giá. 20 người vẫn mất tích và giới chức cảnh báo số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng khi công tác tìm kiếm còn đang tiếp diễn.

Hàng loạt vụ chìm tàu ở Đông Nam Á: Không còn là tai nạn đơn lẻ

Thảm kịch tại eo biển Bali là một trong nhiều vụ tai nạn hàng hải chết người đang gia tăng khắp Đông Nam Á – khu vực vốn có mật độ vận tải đường thủy cao và ngày càng dễ tổn thương trước thời tiết cực đoan. Các nhà phân tích nhận định điều kiện thời tiết biến động bất thường đang là yếu tố chính khiến số vụ tai nạn gia tăng.

Tình trạng này càng làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của tàu thuyền, sự yếu kém của hệ thống cảnh báo sớm và năng lực thích ứng của khu vực khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Tại Indonesia, ngoại trừ năm 2023 (do hạn hán kéo dài khiến biển lặng hơn), số vụ tai nạn hàng hải đã tăng đều trong những năm gần đây – từ 87 vụ vào năm 2020 lên 128 vụ vào năm 2024, theo Bộ Giao thông Vận tải Indonesia. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do các vụ việc liên quan đến tàu đánh cá truyền thống thường không được thống kê chính thức.

Tại Malaysia, số vụ tai nạn trên biển cũng tăng – từ 242 vụ năm 2020 lên 270 vụ năm 2022, và dù giảm nhẹ trong hai năm gần đây (253 vụ năm 2023, 226 vụ năm 2024), xu hướng năm nay đang cho thấy nguy cơ tăng trở lại.

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, Malaysia đã ghi nhận 108 sự cố hàng hải, liên quan đến 251 người thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích. Ông Mohd Tahir Khalid, đại diện của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), cho biết đã có 36 người tử vong và 12 người mất tích trong giai đoạn này.

“Nếu xu hướng này tiếp diễn, Malaysia có thể ghi nhận gần 100 người chết vì tai nạn biển trong năm nay – mức cao nhất trong những năm gần đây”, ông Tahir cảnh báo trên New Straits Times ngày 28/6.

Thời tiết bất thường và hệ lụy khôn lường

Theo các chuyên gia khí tượng, chính hiện tượng thời tiết cực đoan – đặc biệt là sóng lớn và gió mạnh xảy ra trái mùa – là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn gần đây.

Vụ chìm phà tại Bali diễn ra vào thời điểm lẽ ra biển êm, trời quang – nhưng thay vào đó là sóng dữ và gió mạnh. Công tác tìm kiếm cũng bị cản trở suốt nhiều ngày bởi thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế. Mãi đến sáng 10/7, sau 8 ngày lặn tìm, lực lượng cứu hộ mới xác định được vị trí xác tàu – nằm ở độ sâu 49 mét, cách vị trí ban đầu khoảng 1,5km do bị dòng chảy cuốn đi.

Giới chức cho biết một số nạn nhân có thể vẫn bị mắc kẹt trong thân tàu.

Thông thường, 60% lãnh thổ Indonesia bước vào mùa khô vào cuối tháng 6. Nhưng năm nay, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) ghi nhận nhiều khu vực vẫn có mưa lớn bất thường, gây lũ quét và sạt lở.

“Dù một số khu vực đã bước vào mùa khô, điều kiện khí quyển và biển vẫn rất bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn của người dân,” bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu BMKG, phát biểu ngày 3/7.

Theo Channel News Asia

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật