Trung Quốc và Nga vừa ký một thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng – dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng cho Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) do 2 nước cùng phát triển, dự kiến đi vào hoạt động năm 2036.
Bản ghi nhớ hợp tác được ký vào tuần trước đặt nền tảng cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân – yếu tố then chốt để duy trì sự hiện diện của con người trên Mặt trăng, mục tiêu mà cả Trung Quốc và Mỹ đều đang theo đuổi.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã ký kết thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Nhà máy điện của Nga sẽ là đóng góp quan trọng cho dự án Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế”, phía Roscosmos tuyên bố hôm 15/5.

Với ILRS, Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu xây dựng một cơ sở nghiên cứu lâu dài tại cực Nam Mặt trăng vào khoảng giữa thập niên 2030, nhằm phục vụ nghiên cứu không gian cơ bản và thử nghiệm các công nghệ hỗ trợ sự hiện diện lâu dài của con người. Roscosmos cho biết đã có 13 quốc gia tham gia dự án.
Bản ghi nhớ này là một trong hơn 20 thỏa thuận được hai bên ký kết trong cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow tuần trước, theo Điện Kremlin.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng trước năm 2030 để hỗ trợ xây dựng trạm nghiên cứu.
Mỹ hiện cũng dự định phát triển căn cứ Mặt trăng sử dụng năng lượng hạt nhân. NASA cùng Bộ Năng lượng Mỹ đang hợp tác thực hiện dự án năng lượng hạt nhân bề mặt, được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc xây dựng các trạm nghiên cứu bền vững trên Mặt trăng và sao Hỏa.
Hiện tại, các sứ mệnh không gian – bao gồm cả phóng tàu có người lái và trạm không gian – chủ yếu sử dụng pin mặt trời để cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, mỗi ngày và đêm trên Mặt trăng kéo dài khoảng 14 ngày Trái đất, và một số khu vực vĩnh viễn nằm trong bóng tối, khiến việc duy trì nguồn điện ổn định trở thành yêu cầu bắt buộc.
Các lò phản ứng mà Trung Quốc và Mỹ đang phát triển dự kiến sẽ tạo ra khoảng 40kW điện trong vòng 10 năm – mức năng lượng tương đương với nhu cầu của khoảng 33 hộ gia đình Mỹ.
Theo SCMP