Theo BBC, cho đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã đến nhà ga xe lửa của Kiev, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Thủ tướng Canada Justin Trudeau có mặt tại thủ đô Ukraine.

“Hôm nay chúng tôi ở Kiev vì Ukraine thuộc châu Âu. Trong cuộc chiến sinh tồn này, không chỉ vận mệnh của Ukraine, mà vận mệnh của châu Âu cũng bị đe dọa”, bà Von der Leyen hôm 24/2 viết trên mạng xã hội X.
Động thái diễn ra đúng vào thời điểm đánh dấu 3 năm xảy ra xung đột Nga – Ukraine và sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky một cách dữ dội, đồng thời cáo buộc Kiev châm ngòi nổ giao tranh quân sự với Moscow.
Trước đó, ông Zelensky cho biết, ít nhất 14 nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kiev, trong khi nguyên thủ của ít nhất 20 quốc gia khác dự sự kiện thông qua kết nối trực tuyến để bày tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Anh dọa trừng phạt Nga “lớn chưa từng thấy”
Ngoại trưởng Anh David Lammy hôm 23/2 cho biết, nước này đang chuẩn bị đưa ra gói trừng phạt “lớn nhất từ trước đến nay” với Nga nhằm làm “giảm doanh thu và làm suy yếu cỗ máy quân sự” của xứ sở bạch dương.
Đài RT dẫn lời ông Lammy lưu ý, các biện pháp trừng phạt mới sẽ được công bố vào “thời điểm quan trọng” đối với Ukraine. Theo quan chức này, London vẫn cam kết cung cấp 3 tỷ Bảng Anh (3,78 tỷ USD) viện trợ quân sự mỗi năm để đưa Ukraine vào “vị thế mạnh nhất có thể”. Ông nhấn mạnh, Anh “sẵn sàng và mong muốn” cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine nếu cần thiết.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, Anh đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt Moscow, nhắm vào 1.900 cá nhân và tổ chức cũng như các ngành công nghiệp và xuất khẩu năng lượng quan trọng của Nga. Nhắc đến quyết định bắt đầu đàm phán trực tiếp với Nga của Tổng thống Mỹ Trump, Ngoại trưởng Anh khẳng định không thể chấp nhận bất kỳ kết quả nào liên quan đến Ukraine nếu các đại diện Kiev không tham gia quá trình thương lượng.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ tới Washington trong tuần này để cố gắng thuyết phục ông Trump không chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cũng như cam kết để quân Mỹ tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình tiềm năng. Theo tạp chí Wall Street Journal, London và Paris đã nhất trí gửi 30.000 binh sĩ tới Ukraine, nhưng kế hoạch này sẽ phải đối mặt “chặng đường khó khăn” nếu không có sự ủng hộ của chính quyền ông Trump.