Hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) đã bắt đầu khai thác máy bay phản lực khu vực C909 của tập đoàn COMAC (Trung Quốc) vào ngày 30/3.
Đây là lần đầu tiên một máy bay phản lực chở khách của Trung Quốc thâm nhập thị trường Lào, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển quốc tế hóa máy bay thương mại của Trung Quốc.
Mẫu máy bay này dự kiến sẽ được khai thác trước tiên trên các đường bay nội địa, trước khi mở rộng ra thị trường quốc tế trong tương lai.

Theo hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, một nhóm nhân viên của Lao Airlines đã có mặt tại trung tâm Đào tạo Khách hàng của COMAC ở Thượng Hải trong tuần trước để tham gia khóa huấn luyện vận hành máy bay.
Từ đầu năm ngoái, COMAC – tập đoàn sản xuất máy bay thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc – đã tăng cường tiếp thị đến các cơ quan quản lý và nhiều hãng hàng không trên thế giới nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Airbus, Boeing và Embraer. Hiện tại, COMAC đang đẩy mạnh sản xuất dòng máy bay C909 và C919 – mẫu máy bay thân hẹp cỡ lớn hơn.
C909, trước đây được biết đến với tên ARJ21, có sức chứa lên đến 90 hành khách và là mẫu máy bay phản lực đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất thương mại. Mẫu này đã bắt đầu khai thác thương mại từ năm 2016.
Dù không nổi bật bằng dòng C919 tiên tiến hơn, việc C909 được đưa vào khai thác tại Lào sẽ giúp COMAC mở rộng hiện diện ra thị trường quốc tế và nâng cao vị thế bên ngoài Trung Quốc.
Được biết Indonesia là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc vận hành máy bay COMAC, với hãng hàng không TransNusa của Indonesia sử dụng máy bay phản lực C909.
Bên cạnh đó, hãng hàng không VietJet của Việt Nam đã đồng ý thuê hai chiếc C909 từ Chengdu Airlines (Trung Quốc) và đang chờ sự phê duyệt của cơ quan quản lý hàng không để đưa máy bay Trung Quốc vào khai thác.
Hiện Lào cũng đang vận hành một số máy bay cánh quạt Xian MA60 do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, theo biên bản ghi nhớ năm 2010 giữa cơ quan quản lý hàng không Lào và Trung Quốc, Lào đã công nhận các chứng nhận thiết kế máy bay của Trung Quốc – giúp COMAC dễ dàng đưa máy bay vào khai thác tại quốc gia này mà không cần qua quá trình phê duyệt bổ sung.
Theo Reuters