Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta của Mỹ một lần nữa giữ vị trí số 1 thế giới về lưu lượng hành khách.
Theo báo cáo mới công bố của Airports Council International (ACI) World, sân bay lớn nhất của Delta Air Lines đã đón hơn 108 triệu lượt hành khách trong năm 2024. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 2% so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch.
Xếp thứ hai là sân bay quốc tế Dubai, với lượng hành khách tăng gần 7% so với mức trước đại dịch. Đây cũng là sân bay quốc tế đón nhiều hành khách quốc tế nhất thế giới, với toàn bộ 92,3 triệu lượt khách trong năm 2024 đều là khách bay quốc tế.

Báo cáo cũng cho thấy tổng lưu lượng hành khách toàn cầu trong năm 2024 đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ lượt, tăng 8,4% so với năm 2023 và cao hơn 2,7% so với năm 2019.
Dưới đây là danh sách 10 sân bay bận rộn nhất thế giới (tính theo tổng số hành khách):
1. Atlanta, Mỹ (ATL): 108,1 triệu
2. Dubai, UAE (DXB): 92,3 triệu
3. Dallas/Fort Worth, Mỹ (DFW): 87,8 triệu
4. Tokyo, Nhật Bản (HND): 85,9 triệu
5. London, Anh (LHR): 83,9 triệu
6. Denver, Mỹ (DEN): 82,4 triệu
7. Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (IST): 80,1 triệu
8. Chicago, Mỹ (ORD): 80 triệu
9. New Delhi, Ấn Độ (DEL): 77,8 triệu
10. Thượng Hải, Trung Quốc (PVG): 76,8 triệu
Ngoài sân bay quốc tế Dubai, một số sân bay khác cũng ghi nhận lượng hành khách vượt xa mức trước đại dịch, gồm: Dallas/Fort Worth (xếp hạng 3, tăng từ vị trí 10 năm 2019), Denver (từ hạng 16 lên 6), Istanbul (từ hạng 28 lên 7), New Delhi (hạng 17 lên 9).
Đáng chú ý, Mỹ chiếm tới 6 vị trí trong top 20. Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ đại dịch, 3 sân bay của Trung Quốc – Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh – đã trở lại bảng xếp hạng 20 sân bay bận rộn nhất toàn cầu.
Dù lọt top, nhiều sân bay lớn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn về lưu lượng hành khách so với thời điểm trước Covid, trong đó có: Atlanta (-2,2%), Chicago (-5,4%), Los Angeles (-13%), Paris (-7,7%), Singapore (-0,9%), Bắc Kinh (-32,6%), Amsterdam (-6,8%), Bangkok (-4,9%).
ACI dự báo lưu lượng hành khách toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên 9,9 tỷ lượt vào năm 2025, bất chấp những thách thức dai dẳng của ngành hàng không như bất ổn kinh tế, đóng cửa không phận do xung đột địa chính trị và tình trạng chậm trễ trong sản xuất máy bay.
Theo CNBC