Trong bối cảnh Bitcoin liên tục phá đỉnh, một rủi ro tiềm ẩn đang được các chuyên gia đặc biệt quan tâm: công nghệ máy tính lượng tử. Đây được xem là “quả bom hẹn giờ” có khả năng phá vỡ nền tảng bảo mật của đồng tiền số lớn nhất thế giới.
Mối lo ngại này càng trở nên cấp thiết sau thông báo về chip lượng tử Willow của Google. Theo các chuyên gia, công nghệ này trong tương lai có thể đủ mạnh để vượt qua hệ thống mã hóa của Bitcoin, mở đường cho các cuộc tấn công vào ví điện tử.
Mặc dù phải mất ít nhất một thập kỷ để phát triển máy tính lượng tử đủ năng lực bẻ khóa Bitcoin, các nhà phát triển đang đứng trước thách thức phải nâng cấp công nghệ bảo mật.
“Đây là mối đe dọa thực sự nếu có tổ chức nào đó phát triển được công nghệ hack lượng tử và nhắm vào tiền điện tử”, ông Arthur Herman, chuyên gia cao cấp tại Viện Hudson (Washington, DC) nhận định.
Theo nghiên cứu của Viện Hudson năm 2022, một cuộc tấn công lượng tử vào Bitcoin có thể gây thiệt hại trên 3.000 tỷ USD cho thị trường tiền số và tài chính truyền thống, dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Con số này được dự báo còn cao hơn khi Bitcoin đã vượt ngưỡng 100.000 USD và ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một kênh đầu tư chính thống.
Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết xây dựng “Fort Knox kỹ thuật số” để lưu trữ Bitcoin của Chính phủ, các chuyên gia bảo mật đang bày tỏ lo ngại về khả năng bảo vệ kho tài sản này trước công nghệ lượng tử.
Khác với máy tính thông thường sử dụng hệ nhị phân 0-1, máy tính lượng tử với công nghệ qubit cho phép xử lý dữ liệu ở nhiều trạng thái đồng thời. Điều này giúp thiết bị có thể thực hiện các tác vụ phức tạp như phát triển thuốc mới, dự báo thời tiết hay phá mã trong thời gian ngắn – những việc có thể mất hàng thế kỷ với máy tính thông thường.
Mối đe dọa không chỉ giới hạn ở Bitcoin mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính sử dụng mã hóa khóa công khai. Tuy nhiên, Bitcoin được đánh giá là mục tiêu hấp dẫn hơn với tin tặc lượng tử.
“Bitcoin sẽ là đích nhắm hàng đầu”, ông Skip Sanzeri, đồng sáng lập QuSecure – công ty chuyên về an ninh mạng lượng tử nhận định. “Khác với ngân hàng có nhiều lớp bảo vệ, Bitcoin như miền Tây hoang dã – không có cơ chế hoàn tiền nếu tài sản bị đánh cắp”.
Các cuộc tấn công trước đây chủ yếu nhắm vào sàn giao dịch tiền số. Tuy nhiên, công nghệ lượng tử có thể đe dọa toàn bộ hệ thống bảo mật của mạng lưới Bitcoin.
Theo Galaxy Digital, khoảng 1,72 triệu Bitcoin (tương đương 160 tỷ USD) đang được lưu trữ tại các địa chỉ có khóa công khai, bao gồm cả 1 triệu đồng coin được cho là thuộc về Satoshi Nakamoto – nhà sáng lập bí ẩn của Bitcoin. Đây được xem là nhóm tài sản dễ bị tổn thương nhất trước các cuộc tấn công lượng tử.
Thực tế, mọi giao dịch Bitcoin đều có nguy cơ bị đánh cắp trong khoảng thời gian 10 phút xác nhận giao dịch khi công nghệ lượng tử đủ mạnh.
Tiền điện tử đang trở thành một tài sản đầu tư ngày càng phổ biến, những mối lo ngại về an ninh công nghệ đang dần được chú ý nhiều hơn. Tuy vậy, giới chuyên gia tiền số cho rằng vẫn còn thời gian để Bitcoin khắc phục những điểm yếu trước công nghệ lượng tử. “Ngày tận thế lượng tử chắc chắn sẽ đến, nhưng chưa phải lúc này để hoảng sợ”, ông Emin Gün Sirer, nhà sáng lập đồng tiền số Avalanche nhận định.
Theo các chuyên gia, Bitcoin có thể được bảo vệ bằng các phương thức mã hóa mới, có khả năng chống lại máy tính lượng tử. Tuy nhiên, quá trình nâng cấp này có thể kéo dài nhiều năm do đặc tính phi tập trung của mạng lưới Bitcoin. Mọi thay đổi về công nghệ đều cần sự đồng thuận từ cộng đồng người dùng toàn cầu – điều từng gây nhiều tranh cãi trong các lần cập nhật trước.
Thách thức không chỉ dừng lại ở việc thống nhất giải pháp chống lượng tử. Sau khi công nghệ mới được triển khai, toàn bộ Bitcoin hiện có cần được chuyển vào các địa chỉ có khả năng chống lượng tử. Nếu không thực hiện việc này, các cá nhân và tổ chức nắm giữ Bitcoin sẽ đối mặt nguy cơ mất tài sản vào tay tin tặc lượng tử.
Theo Wall Street Journal (WSJ)