CNBC đưa tin, Starbucks đang xem xét bán một phần cổ phần trong mảng kinh doanh tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai của hãng – với mức định giá có thể lên tới 10 tỷ USD.
Khoảng 30 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã nộp đề xuất không ràng buộc để mua cổ phần, trong đó hầu hết định giá mảng Starbucks Trung Quốc trong khoảng 5–10 tỷ USD. Một nguồn tin cho biết mức định giá hợp lý có thể vào khoảng 9 tỷ USD, khi Trung Quốc hiện đóng góp hơn 8% doanh thu toàn cầu của Starbucks, công ty có vốn hóa thị trường khoảng 108 tỷ USD.

Starbucks khẳng định sẽ giữ lại một “cổ phần đáng kể” trong liên doanh mới, với khả năng giữ khoảng 30%, phần còn lại chia nhỏ cho các nhà đầu tư khác – không ai sở hữu quá 30%.
Việc này tương tự thương vụ McDonald’s bán phần lớn cổ phần tại Trung Quốc năm 2017, nhưng sau đó đã mua lại một phần, thu về lợi nhuận lớn nhờ tăng trưởng tại thị trường này.
Các tên tuổi đang tham gia cạnh tranh gồm Centurium Capital (cổ đông lớn của Luckin Coffee), Hillhouse Capital, Carlyle Group và KKR & Co. Goldman Sachs đang là cố vấn tài chính dẫn dắt thương vụ.
Thị phần rơi tự do
Starbucks từng là bá chủ thị trường cà phê tại Trung Quốc, nhưng đã mất gần 60% thị phần trong vòng 5 năm. Theo Euromonitor, thị phần của hãng giảm từ 34% năm 2019 xuống còn 14% năm 2024.
Nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của các đối thủ nội địa như Luckin Coffee, cũng như làn sóng trà sữa và đồ uống giá rẻ, trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiền cho sản phẩm ngoại đắt đỏ.
Doanh số tại cùng cửa hàng (same-store sales) ở Trung Quốc đã liên tục giảm trong 4 quý liên tiếp trước khi chạm mốc “đi ngang” trong quý đầu năm nay. Để níu kéo khách hàng, Starbucks đã giảm giá lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 6, cắt trung bình 5 tệ với hơn 20 loại đồ uống đá và trà.
Ngoài cạnh tranh khốc liệt, các nhà đầu tư tiềm năng còn lo ngại về chi phí thuê mặt bằng cao – đặc biệt là các cửa hàng rộng lớn trong trung tâm thương mại ở các thành phố lớn.
Khi Starbucks mới vào Trung Quốc năm 1999, nhiều trung tâm thương mại từng ưu đãi giá thuê để thu hút lượng khách. Nhưng xu hướng này có thể sắp kết thúc, đe dọa trực tiếp lợi nhuận của hãng.
Giới phân tích cho rằng việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược bản địa có thể là cách để Starbucks đẩy nhanh tốc độ ra quyết định và thích nghi văn hóa thị trường địa phương.
“Các lãnh đạo toàn cầu và lãnh đạo khu vực Trung Quốc của Starbucks thường có góc nhìn khác nhau. Trong khi yếu tố sống còn giờ đây là tốc độ ra mắt sản phẩm mới, với mức giá và trải nghiệm phù hợp văn hóa địa phương”, ông Han Shen Lin, Giám đốc The Asia Group tại Trung Quốc, nhận định.
Starbucks đã có một điều chỉnh nhân sự quan trọng vào tháng 9 năm ngoái khi bổ nhiệm bà Molly Liu, cựu lãnh đạo mảng kỹ thuật số, làm Tổng giám đốc Starbucks Trung Quốc.
Theo CNBC