Mới đây, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) thông báo đã phát hiện một mỏ dầu lớn tại phía Đông Biển Đông, với trữ lượng đã được chứng minh vượt hơn 100 triệu tấn.
Mỏ dầu Huizhou 19-6 mới được phát hiện đánh dấu một bước đột phá trong hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc, vì đây là mỏ dầu clastic tích hợp quy mô lớn đầu tiên của nước này được phát hiện ở các lớp sâu đến cực sâu, theo CNOOC.
Nằm cách thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, khoảng 170km, mỏ dầu này nằm ở vùng nước có độ sâu trung bình 100m. Hoạt động khoan thử nghiệm đã mang lại sản lượng hằng ngày là 413 thùng dầu thô và 68.000m3 khí đốt tự nhiên, cho thấy tiềm năng lớn của mỏ dầu này.

Theo CNOOC, hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi ở các lớp sâu đến cực sâu phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nhiệt độ cao, áp suất cao và điều kiện địa chất phức tạp.
Trong khi đó, các bể chứa clastic – một thành phần quan trọng của các mỏ hydrocarbon ở biển sâu – thường có độ thấm thấp, khiến việc xác định các mỏ dầu khí lớn trở nên khó khăn hơn.
Ông Peng Guangrong, nhà địa chất tại chi nhánh Thâm Quyến của CNOOC, cho biết 60% trữ lượng dầu khí mới được phát hiện trên thế giới đến từ các lớp sâu. Với nguồn tài nguyên dồi dào nhưng mức độ thăm dò còn thấp, các lớp sâu đến cực sâu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai về trữ lượng và sản lượng dầu khí.
Hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc tại phía Đông Biển Đông đã đạt được những bước đột phá liên tiếp, với các mỏ dầu có trữ lượng vượt 100 triệu tấn được phát hiện trong hai năm liên tiếp, theo Giám đốc điều hành CNOOC Zhou Xinhuai.
Theo Xinhua News