Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thất bại trong việc đạt được một hiệp ước quốc phòng với Riyadh, vốn là một phần trong nỗ lực toàn diện nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel.
Đề xuất của ông Biden từng bao gồm việc cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Riyadh, đổi lại việc ngừng mua vũ khí từ Trung Quốc và hạn chế đầu tư của Bắc Kinh tại nước này. Hiện chưa rõ liệu đề xuất mới dưới thời ông Trump có bao gồm các điều kiện tương tự hay không.
Nhà Trắng và Văn phòng truyền thông của chính phủ Ả Rập Xê Út đều chưa đưa ra bình luận.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: “Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út dưới thời Tổng thống Trump đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hợp tác an ninh tiếp tục là yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ này, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Riyadh để đáp ứng các nhu cầu phòng thủ của họ”.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng ca ngợi việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út là cách thúc đẩy việc làm tại Mỹ.
Theo hai trong số các nguồn tin, tập đoàn Lockheed Martin có thể sẽ cung cấp nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm máy bay vận tải C-130. Một nguồn tin khác cho biết Lockheed cũng sẽ cung cấp tên lửa và radar. RTX Corp (trước đây là Raytheon Technologies) cũng được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận, cùng với các tập đoàn quốc phòng lớn khác như Boeing, Northrop Grumman và General Atomics.
Người phát ngôn của Lockheed Martin cho biết các thương vụ bán vũ khí quân sự cho nước ngoài là giao dịch giữa chính phủ với chính phủ, và mọi câu hỏi nên được chuyển cho phía chính phủ Mỹ.
Hiện chưa rõ bao nhiêu trong số các hợp đồng được đề xuất là mới, khi một số thương vụ đã được đàm phán từ lâu. Ví dụ, từ năm 2018, Ả Rập Xê Út đã bắt đầu tìm hiểu về dòng máy bay không người lái của General Atomics. Trong vòng 12 tháng qua, một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD liên quan đến MQ-9B SeaGuardian và các loại máy bay khác đã được đưa vào trọng tâm đàm phán.
Ba nguồn tin tiết lộ rằng nhiều giám đốc điều hành từ các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang cân nhắc tham gia phái đoàn tới Trung Đông lần này.
Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Ả Rập Xê Út trong nhiều thập kỷ. Năm 2017, chính quyền Trump từng đề xuất gói bán vũ khí trị giá khoảng 110 tỷ USD cho Riyadh. Tuy nhiên, đến năm 2018, chỉ mới 14,5 tỷ USD trong số đó được triển khai, và Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét lại các thương vụ này sau vụ sát hại nhà báo Saudi Jamal Khashoggi.
Năm 2021, dưới thời ông Biden, Quốc hội Mỹ đã áp đặt lệnh cấm bán vũ khí tấn công cho Ả Rập Xê Út nhằm phản ứng với vụ Khashoggi và gây áp lực buộc Riyadh chấm dứt chiến tranh tại Yemen – vốn đã gây thiệt hại lớn cho dân thường.
Theo luật Mỹ, mọi thương vụ vũ khí quốc tế lớn đều phải được Quốc hội xem xét trước khi chính thức ký kết.
Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022 làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, chính quyền Biden bắt đầu mềm mỏng hơn với Ả Rập Xê Út. Đến năm 2024, lệnh cấm bán vũ khí tấn công đã được dỡ bỏ, trong bối cảnh Mỹ và Riyadh tăng cường hợp tác sau vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas, nhằm xây dựng kế hoạch tái thiết Gaza hậu chiến tranh.
Một thỏa thuận tiềm năng về việc cung cấp tiêm kích tàng hình F-35 của Lockheed – dòng máy bay mà Riyadh đã theo đuổi nhiều năm qua – cũng được đưa vào chương trình nghị sự, theo ba nguồn tin. Tuy nhiên, khả năng ký kết ngay trong chuyến đi bị đánh giá là không cao.
Washington hiện vẫn duy trì chính sách bảo đảm cho Israel, đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông, được tiếp cận các hệ thống vũ khí Mỹ tiên tiến hơn so với các quốc gia Ả Rập láng giềng. Điều này nhằm duy trì “Lợi thế Quân sự Chất lượng” (QME) của Israel trong khu vực.
Israel đã vận hành tiêm kích F-35 được 9 năm và hiện sở hữu nhiều phi đội.
Theo Reuters