Tờ Kyiv Independent dẫn thông báo Thủ tướng Ukraine viết trên Telegram ngày 30/12 với nội dung như sau: “Các khoản tiền này là một phần của dự án Hòa bình tại Ukraine và đại diện cho một phần của khoản đóng góp trị giá 20 tỷ USD của Mỹ theo sáng kiến G7. Tiền sẽ được phân bổ cho các khoản chi xã hội và nhân đạo… Chúng tôi cảm ơn Mỹ và Ngân hàng thế giới vì thực hiện và hỗ trợ sáng kiến này, buộc Nga phải trả giá cho hành động quân sự chống Ukraine”.
Trước đó, hôm 20/12, nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ, Kiev đã bắt đầu nhận được tiền từ Mỹ theo khuôn khổ chương trình cho vay 50 tỷ USD của G7. Số tiền này được đảm bảo bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Ngày 24/12, Ukraine đã nhận được 1 tỷ USD từ Mỹ dưới dạng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tại Anh, đại sứ quán Nga tại London đã lên án một kế hoạch tương tự của Anh nhằm chuyển hơn 2,5 tỷ USD từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine. Đại sứ quán Nga gọi đó là việc làm gian lận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên án động thái trên là trộm cắp và cảnh báo sẽ trả đũa pháp lý.
G7, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Italia ban đầu cam kết cho Ukraine vay 50 tỷ USD và dùng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp. Hiện, phần lớn tài sản bị đóng băng của Nga do các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nắm giữ.
Trước đây, quyết định sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga đã gây ra cuộc tranh luận giữa các quốc gia G7. Các thành viên châu Âu của G7 như Đức, Pháp và Italia đã nêu lên mối quan ngại rằng hành động như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính và gây ra những tác động pháp lý. IMF cũng cảnh báo rằng việc tịch thu các tài sản này mà không có khuôn khổ pháp lý vững chắc có thể làm xói mòn lòng tin toàn cầu vào hệ thống tài chính phương Tây.
>> Mỹ công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 5,9 tỷ USD cho Ukraine