spot_img
28.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếMỹ khẩn cấp rút 4 tỷ USD khỏi đường sắt cao tốc,...

Mỹ khẩn cấp rút 4 tỷ USD khỏi đường sắt cao tốc, Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục và xuất khẩu công nghệ đi khắp thế giới: Bức tranh trái ngược ở 2 siêu cường, nguyên nhân do đâu?

Động thái này không chỉ khiến chính quyền tiểu bang nổi giận và đệ đơn khiếu kiện, mà còn phơi bày hai con đường hoàn toàn khác biệt mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang theo đuổi trong lĩnh vực giao thông đường sắt: Trung Quốc tăng tốc đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn, còn Mỹ vẫn loay hoay giữa các rào cản chính trị, lợi ích cục bộ và thiếu vốn.

Chỉ một tuần sau khi Trung Quốc ra mắt mẫu tàu đệm từ có vận tốc thiết kế 600km/h – phương tiện mặt đất nhanh nhất từng được phát triển trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy khoản tài trợ liên bang trị giá 4 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc tại bang California.

Tại Trung Quốc, mạng lưới đường sắt cao tốc đã mở rộng chóng mặt trong hai thập kỷ qua – từ gần như bằng 0 vào đầu những năm 2000 lên hơn 48.000km tính đến cuối năm 2024, giữ vững vị trí số 1 toàn cầu.

Theo kế hoạch, con số này sẽ vượt 50.000km vào năm 2025. Thành công của Bắc Kinh không đến từ sự “mạo hiểm” mà là kết quả của chiến lược đầu tư bài bản, quản lý tập trung và chấp nhận “chịu lỗ trước, lợi ích sau” để thúc đẩy phát triển công nghiệp và điều phối vùng miền.

Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc California – niềm hy vọng duy nhất của nước Mỹ trong lĩnh vực này – đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Khởi công từ hơn một thập kỷ trước với tham vọng nối San Francisco và Los Angeles trong chưa đầy 3 giờ, đến nay mới chỉ hoàn thành chưa đến 35% giai đoạn đầu vì thiếu kinh phí, trì hoãn thi công và mâu thuẫn giữa các bên liên quan.

Mỹ khẩn cấp rút 4 tỷ USD khỏi đường sắt cao tốc, Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục và xuất khẩu công nghệ đi khắp thế giới: Bức tranh trái ngược ở 2 siêu cường, nguyên nhân do đâu? - ảnh 1

Quyết định của ông Trump càng làm tình hình thêm trầm trọng. Trên mạng xã hội, ông gọi dự án là “quá đắt đỏ, bị siết quy định, không hiệu quả và lãng phí tiền thuế”. Đáp lại, Thống đốc California Gavin Newsom tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để bảo vệ dự án, khẳng định đây là hệ thống đường sắt cao tốc duy nhất của nước Mỹ đang trong giai đoạn triển khai.

Tại Diễn đàn Giao lưu Công nghiệp Đường sắt Mỹ – Trung ngày 18/7 ở Bắc Kinh, bất chấp sự trì trệ trong nước, 8 công ty Mỹ vẫn có mặt để tìm kiếm cơ hội hợp tác, trong đó có các tên tuổi như Caterpillar, 3M, Cummins, Harsco Rail và Ibex Infrastructure. Các nội dung thảo luận xoay quanh tiêu chuẩn kỹ thuật, đổi mới công nghệ, chuỗi cung ứng phụ trợ và hợp tác đầu tư hạ tầng tại các thị trường nước ngoài.

Theo Giáo sư Vương Nghị Vĩ – Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh – Mỹ không tụt lại vì thiếu năng lực công nghệ, mà vì bị kìm hãm bởi rào cản chính trị và lợi ích tài chính ngắn hạn. “Tổng thống Trump đang nhắm vào California không chỉ vì khác biệt chính trị, mà còn để dọn đường cho người kế nhiệm do ông lựa chọn,” ông nhận định.

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt

Không chỉ tập trung nội địa, Trung Quốc còn tích cực xuất khẩu công nghệ và chuỗi cung ứng đường sắt ra toàn cầu. Các công ty nước này đang góp mặt trong hàng loạt dự án lớn tại châu Á, châu Phi và cả châu Âu, nhờ vào năng lực thi công nhanh, chi phí thấp và khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị – điều mà các đối thủ phương Tây khó cạnh tranh.

Tại Triển lãm Đường sắt hiện đại lần thứ 17, Trung Quốc đã giới thiệu mẫu tàu đệm từ tốc độ 600 km/h do Tập đoàn CRRC – nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới – phát triển. Phương tiện này tích hợp công nghệ lái tự động và trí tuệ nhân tạo (AI), hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật cuối cùng trước khi vận hành thương mại.

Từng được cựu Tổng thống Barack Obama đặt mục tiêu vào năm 2009: 80% dân số Mỹ sẽ tiếp cận tàu cao tốc trong vòng 25 năm, nhưng hơn một thập kỷ sau, con số thực tế vẫn là con số không tròn trĩnh. Trong khi Trung Quốc đang thử nghiệm vận tốc 600 km/h, thì Mỹ vẫn tranh cãi về từng tỷ đô ngân sách và chưa thể hoàn thiện nổi tuyến đầu tiên.

Mối tương phản này không chỉ cho thấy sự khác biệt về năng lực thi công hay tài chính, mà còn phản ánh rõ khoảng cách trong tư duy phát triển – một bên hướng đến chiến lược dài hạn và quản trị tập trung, bên kia vẫn bị kéo lùi bởi chính trị phân cực và lợi ích cục bộ.

Theo SCMP

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật